Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị gặp mặt tuyên dương điển hình tiên tiến của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) và “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” giai đoạn 2015-2020.
Người dân cùng công an địa phương khảo sát một điểm gắn camera an ninh trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng việc xây dựng, củng cố các mô hình tự phòng, tự quản ngay cơ sở có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương. Các mô hình này huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo môi trường thuận lợi, cơ sở để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Thời gian tới cần phát huy hiệu quả các mô hình này theo hướng xã hội hóa; vận động người có uy tín trong cộng đồng tham gia giữ gìn ANTQ; tăng cường công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng...
Theo Thượng tá Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (PV05) Công an tỉnh, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của Bình Dương thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều mô hình được các tỉnh, thành đến học tập để áp dụng tại địa phương mình. Trong quá trình xây dựng các mô hình, các địa phương trong tỉnh đã chủ động và sáng tạo trong việc xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động, bảo đảm ANTT phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội của từng địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 91 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm với 2.659 thành viên; 187 câu lạc bộ chủ nhà trọ tự quản về ANTT với 5.158 thành viên; 630 Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT với 15.174 thành viên…
Một trong những điểm nhấn trong công tác xã hội hóa thời gian qua là đề án xã hội hóa camera an ninh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020- 2025 của Công an tỉnh đã được triển khai vào tháng 5-2020. Trong thời gian này, toàn tỉnh dự kiến sẽ lắp đặt 1.380 camera ở các địa bàn, khu vực, tuyến đường trọng điểm; các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cũng được vận động lắp đặt 1.872 camera an ninh. Khi hệ thống “mắt thần” này đi vào hoạt động sẽ giúp rất nhiều cho cơ quan chức năng trong việc xử lý, quản lý ANTT, an toàn giao thông.
Từ năm 2015 đến nay, các địa phương đã vận động người dân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí lắp đặt gần 2.000 camera an ninh tại 78/91 xã phường, trị trấn. Ngoài ra, nhân dân, doanh nghiệp còn tự lắp đặt thêm 14.779 camera an ninh với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, qua trích xuất dữ liệu hình ảnh từ camera an ninh đã giúp CA làm rõ 590/4.954 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ 428 đối tượng; giải quyết xử lý 830 vụ tai nạn, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, xử lý 103 đối tượng có liên quan. Theo đánh giá, mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT, an toàn giao thông trên địa bàn, được người dân và các địa phương ủng hộ.
Thời gian qua, phong trào gắn camera an ninh ở các địa phương được chú trọng. Camera được trang bị ở các khu vực phức tạp về ANTT, an toàn giao thông. Hình ảnh từ hệ thống camera được truyền về trụ sở công an địa phương hoặc nhà người dân. Khi xuất hiện tình huống bất ngờ, những hình ảnh được trích xuất từ hệ thống camera hỗ trợ rất nhiều cho công tác xác minh vụ việc. Chính vì thế Đề án “Xã hội hóa camera an ninh” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025 rất có ý nghĩa. Căn cứ vào đề án, Công an tỉnh tiến hành tập huấn về kỹ năng lắp đặt, quản lý, vận hành hệ thống camera, giới thiệu về tính năng của các loại camera; đồng thời, hướng dẫn về trình tự lưu trữ dữ liệu thu nhận từ hệ thống camera phục vụ trích xuất dữ liệu khi chuyển hóa chứng cứ đúng pháp luật". (Thượng tá Huỳnh Văn Sáng, Phó Trưởng phòng PV05 Công an tỉnh) |
NGUYỄN HẬU - L.T.PHƯƠNG