Bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ và đô thị, thời gian qua, huyện Bàu Bàng cũng khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, đồng thời chú trọng công tác thanh kiểm tra trong chăn nuôi.
Hiện nay, toàn huyện Bàu Bàng có hơn 108.000 con gia súc, khoảng 1,9 triệu con gia cầm. Về trang trại, trên địa bàn huyện có 267 trang trại; trong đó có 124 trang trại chăn nuôi heo, 99 trang trại nuôi gà. Phần lớn các trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty như CP, Emivest, Japfa, 3F Việt…
Ngành chức năng đang lấy mẫu thử nước tiểu tại một trang trại nuôi heo ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, thời gian qua ngành chức năng của huyện Bàu Bàng thường xuyên phối hợp với các địa phương trong huyện kiểm tra trang trại, cơ sở chăn nuôi, cơ sở cung cấp thức ăn gia sức, lò giết mổ… trên địa bàn. Cùng với đó, các ngành chức năng của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tác hại của chất cấm trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức nhiều hội thảo cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, nhận thực rõ vấn đề này, đến nay các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã ký cam kết không sử dụng các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist và không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi với các cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Vạn, hộ chăn nuôi heo tại ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, chia sẻ mô hình chăn nuôi của gia đình ông có 500 con. Hưởng ứng các đợt tuyên truyền của địa phương, gia đình ông tham gia đầy đủ những đợt tập huấn, từ đó giúp các thành viên trong gia đình hiểu biết thêm về cách chăn nuôi heo sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nhất là vệ sinh môi trường chuồng trại xung quanh để không ảnh hưởng đến cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm. Những trường hợp vi phạm đều thuộc các hộ chăn nuôi thuê đất tạm bợ, nhỏ lẻ, thường sử dụng thức ăn dư thừa ở các bếp ăn tập thể, quán ăn và có sự tiếp tay của thương lái vì muốn có lợi nhuận cao. Thời gian qua, trạm đã tăng cường tuyên truyền cho bà con, nhất là các hộ chăn nuôi heo, hiểu được tác hại của chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng. Từ đó, trạm khuyến cáo người dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và cần đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Ghi nhận cho thấy, công tác quản lý trong chăn nuôi đối với trang trại trên địa bàn huyện Bàu Bàng thời gian qua có được thuận lợi là đa số các hộ chăn nuôi đều làm gia công cho một số công ty lớn, có uy tín, nên việc quản lý nguồn thức ăn được thực hiện tốt. Tuy nhiên, việc quản lý đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngành chức năng đang gặp nhiều khó khăn, vì khi kiểm tra họ thường đóng cửa bỏ đi, không hợp tác, nên chưa thể giải quyết triệt để.
Ông Hiền cho biết, với việc đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hy vọng tới đây các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện sẽ nói không với chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bàu Bàng, cho biết hiện kinh tế trang trại trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Đa số các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đều chuyển sang công nghệ nuôi chuồng lạnh, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm. Huyện rất chú trọng đến công tác tuyên truyền về những tác hại của chất cấm trong chăn nuôi, về nuôi trồng, cung ứng các sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo qua nhiều kênh, nhiều ngành để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định về chăn nuôi. Về mặt cơ quan quản lý, huyện cũng đã thành lập các đội kiểm tra nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra về chăn nuôi trong thời gian tới.
THOẠI PHƯƠNG