Người Mỹ và cộng đồng quốc tế đã dành sự chú ý đặc biệt cho tranh luận giữa hai ứng cử viên phó tổng thống, Thượng Nghị sĩ Kamala Harris và Phó Tổng thống Mike Pence ngày 7-10 tại hội trường Kingsbury, Đại học Utah, bang Utah.
Cuộc tranh luận “văn minh”
Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên phó tổng thống trở thành tâm điểm. Điều này là có thể hiểu được khi trong tranh luận ứng cử viên tổng thống đầu tiên, cả ông Trump và ông Biden đều sa đà vào công kích cá nhân, thay vì cung cấp thông tin, lập trường về các vấn đề được cử tri quan tâm.
Hình thức tranh luận đã được điều chỉnh. Sau khi Tổng thống Donald Trump mắc COVID-19, ban tổ chức đã nhất trí tăng khoảng cách giữa hai người lên 3,65m và lắp thêm tấm chắn bằng kính và tiến hành xét nghiệm COVID-19 hai ứng cử viên trước tranh luận. Số người dự khán được hạn chế dưới 200 người. Người dẫn chương trình cuộc tranh luận là nữ nhà báo Susan Page, trưởng văn phòng tờ USA Today tại Washington. Nhà báo kỳ cựu này từng đưa tin về 10 cuộc bầu cử tổng thống.
Khác với cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và đối thủ Joe Biden, bất chấp khác biệt quan điểm, cả bà Harris và ông Pence đều dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Việc xen ngang vào phát biểu của nhau hầu như không diễn ra. Cả hai tận dụng triệt để thời gian phát biểu và sẵn sàng dừng, nhường sân khấu khi được yêu cầu.
Tranh luận giữa các ứng cử viên phó tổng thống thường tập trung vào 3 mục tiêu chủ yếu: không gây tổn hại, củng cố uy tín của ứng cử viên tổng thống và vượt qua phép thử đảm nhiệm công việc của một vị tổng tư lệnh. Các ứng cử viên cần ghi nhớ những mục tiêu này khi đứng trên vị trí trung tâm của sân khấu.
Đây được coi là cuộc tranh luận phó Tổng thống quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.
Mục tiêu “không gây tổn hại” khá đơn giản, không nói điều gì ngớ ngẩn và không xúc phạm người khác. Chỉ cần nhìn vào cuộc tranh luận tổng thống gần đây nhất, việc ông Trump liên tục ngắt lời và gọi tên đối thủ đã gây khó chịu cho nhiều cử tri và trở thành thảm họa đối với ông chủ Nhà Trắng khi các cuộc thăm dò cho thấy mức độ ủng hộ ứng cử viên Biden đã tăng lên nhiều hơn sau cuộc tranh luận. Cố vấn chính trị Frank Luntz của đảng Cộng hòa cho biết một ủy ban cử tri độc lập đã rút ra kết luận rằng hai ứng cử viên đã chỉ trích nhau quá “cay nghiệt” và cuộc tranh luận đã không thể hiện được những gì họ mong muốn.
Tiếp đến, cả hai liên danh tranh cử còn phải củng cố uy tín cho ứng cử viên tổng thống trong đảng của họ, tái khẳng định với cử tri về lập trường tranh cử và vạch ra tầm nhìn về tương lai của nước Mỹ. Ông Pence cần thuyết phục cử tri rằng cuộc bầu cử này là lựa chọn giữa ông Trump và ông Biden, không phải là một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump.
Ai là người “thắng”?
Trong 15 phút đầu, bà Kamala Harris thể hiện thế mạnh khi liên tục công kích cách đối phó đại dịch COVID-19 “thiếu minh bạch” của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhấn mạnh rằng ông chủ Nhà Trắng nhận thức đầy đủ, song đã không mô tả chính xác về sự nguy hiểm của đại dịch với người dân. Tuy nhiên, bà cũng khéo léo né tránh khi được hỏi về việc bổ sung thêm ghế thẩm phán vào Tòa án Tối cao, hay cam kết về xóa bỏ thuế và cấm khai thác dầu sử dụng thủy lực cắt phá.
Về phần mình, ông Mike Pence cố gắng bảo vệ thành quả kinh tế và chống dịch của Tổng thống Donald Trump, song không ngại ngần trả đòn khi xoáy vào lập trường của liên minh Biden - Harris trong các cam kết về bãi bỏ thuế, Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal) hay chính sách với Trung Quốc.
Sau màn “trình diễn” suốt 90 phút, cả ông Pence và bà Harris đều có thể ra về trong tư thế ngẩng cao đầu vì có thể thấy rằng họ đã làm hài lòng các cử tri. Cử tri Mỹ có lẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tranh luận này, họ đã có thể lắng nghe lập trường của hai ứng cử viên về nhiều vấn đề quan tâm, trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Theo cuộc thăm dò của CNN với các cử tri theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống, 59% cho biết thượng nghị sĩ Kamala Harris đã có màn thể hiện tốt hơn, trong khi 38% cho rằng Phó Tổng thống Mike Pence có một đêm tranh luận tuyệt vời hơn.
Những kết quả đó gần như phù hợp với kỳ vọng của cử tri trước cuộc tranh luận. Trong các cuộc phỏng vấn được thực hiện trước buổi tranh luận, 61% trong số những cử tri này nói rằng họ kỳ vọng bà Harris sẽ thắng, 36% nghĩ phần thắng thuộc về ông Pence. Bà Harris đã cải thiện tỉ lệ ủng hộ trong số những người đã xem, trong khi tỉ lệ ủng hộ ông Pence không suy chuyển. Trong các cuộc phỏng vấn trước tranh luận, 56% cho biết họ có cái nhìn tích cực về bà Harris, con số này đã tăng lên 63% sau tranh luận. Đối với ông Pence, tỉ lệ ủng hộ là 41% trong cả hai cuộc phỏng vấn trước và sau cuộc tranh luận.
Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden cũng đã đưa ra phản ứng về cuộc tranh luận của hai "phó tướng". Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: "Mike Pence thắng lớn". Còn ông Joe Biden viết: "Kamala Harris, bà đã khiến tất cả chúng tôi tự hào đêm nay".
Đặc biệt, cuộc tranh luận đã phần nào làm nổi bật tính cách hai nhân vật này. Thượng Nghị sĩ Harris được đánh giá là luật sư cứng rắn và một trong những người thẩm vấn khó tính nhất tại quốc hội. Ngược lại, Phó Tổng thống Mike Pence luôn điềm tĩnh dù phải đối mặt với chất vấn của truyền thông, song sẵn sàng gay gắt như trong phát biểu về Trung Quốc tại Viện Hudson năm 2018. Tính cách của hai nhân vật này đã được thể hiện rõ nét trong tranh luận vừa qua.
Có thể nói, thành công trong cuộc tranh luận phó tổng thống lần này dựa trên năng lực, sự dễ mến và khả năng đánh trúng vào những vấn đề quan trọng đối với cử tri. Kinh nghiệm chính trị trong nhiều năm đã đưa hai ứng cử viên này vào vị trí trung tâm của sân khấu và họ đã có 90 phút để thể hiện khả năng của mình trước người dân Mỹ. Điều quan trọng là mỗi ứng cử viên phải biết mục tiêu của mình là gì để có thể ghi điểm trước cử tri. Theo kế hoạch, sau cuộc tranh luận này, hai ứng cử viên tổng thống sẽ có cuộc tranh luận vào ngày 15-10 ở Miami, bang Florida và ngày 22-10 ở Nashville, bang Tennessee.
Theo CAND