Qua nhà hàng xóm chơi, thấy con khỉ đang được xích vào gốc cây, bé D. lân la tới gần xem. Bất ngờ con khỉ nhào tới chộp lấy tay phải bé cắn mạnh. Vết cắn đã làm đứt động mạch, đứt thần kinh giữa và đứt toàn bộ cơ nhị đầu của cánh tay.
ThS/BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và cứu chữa kịp thời cho bệnh nhi N.K.D (6 tuổi, ngụ tại Bến Cát Bình Dương). Em D. nhập viện trong tình trạng cánh tay phải bị tổn thương rất nặng do bị khỉ cắn.
Trước đó, D. cùng người anh qua nhà hàng xóm chơi, thấy con khỉ cột dưới gốc cây nên em lại gần đứng xem. Con khỉ hung hãn nhào tới chộp lấy cánh tay phải của D. rồi cắn mạnh. Hai anh em hoảng hốt kêu cứu con khỉ mới chịu buông tha, lúc này máu D. đã chảy đầm đìa.
Ngay lập tức bé D. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, băng bó cầm máu. Tuy nhiên, sau đó cánh tay của em sưng tím bầm, da nhợt nhạt… sức khỏe của D. ngày càng xấu dần nên gia đình xin chuyển em lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại đây, ghi nhận cánh tay phải của D. vẫn còn rỉ máu, chi lạnh, động mạch quay không thể bắt được. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, vùng mặt trước của cánh tay phải bị tổn thương nặng, động mạch, dây thần kinh giữa và cơ nhị đầu của cánh tay đã bị đứt.
Bé D. được truyền máu và đưa vào phòng mổ, bác sĩ đã nối lại động mạch, dây thần kinh và khâu cơ nhị đầu cho em. Sau khi nối, động mạch quay có nhịp đập trở lại, bàn tay dần ấm hồng, các ngón tay đã cử động được. Nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời nên D. đã may mắn thoát được tình trạng bị hoại tử và liệt phần chi phía dưới của vết cắn.
BS Thượng khuyến cáo, động vật dùng răng và móng vuốt để cào cấu cắn xé khi tấn công con người. Những vết thương này rất dễ bị nhiễm các loại tạp khuẩn, nhiễm virus bệnh dại từ nước bọt, nhiễm uốn ván từ móng vuốt. Do đó nếu gặp phải các thương tích khi bị đông vật tấn công cần đưa nạn nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Dân Trí