Kathleen 'Kick' Kennedy là em gái của Tổng thống John F. Kennedy. Qua đời ở tuổi 28 trong một vụ tai nạn máy bay, cuộc đời cô tuy ngắn ngủi nhưng đầy nổi loạn, bất chấp sự ngăn cản của gia đình để theo đuổi tình yêu xuyên lục địa của mình.
Chuyện ít người biết về Kick Kennedy sẽ được tiết lộ trong bộ phim tài liệu phát trên Kênh Smithsonian trong loạt phim tài liệu có tiêu đề "Những nàng công chúa triệu đô của nước Mỹ".
Sức mạnh tình yêu
Giống như Tổng thống John F Kennedy, Kick Kennedy chào đời ở Brookline, bang Massachusetts, là con thứ tư của bà Rose và ông Joseph - người sau này làm đại sứ Mỹ tại Anh. Hình ảnh về Kick Kennedy được tái hiện chân thực qua lời kể của một người cùng tên là cô con gái 27 tuổi của ông Robert F Kennedy Jr - cháu của Kick Kennedy.
Kathleen 'Kick' Kennedy tâm sự với tờ New York Post: "Khi tôi còn bé, tôi cứ thắc mắc tại sao mình lại có cái tên buồn cười thế. Thì ra là tôi được đặt tên theo tên bà bác của bố tôi". Cô học trường hạt Riverdale khi gia đình dọn tới Bronxville, bang New York. Sau đó, Kick được mẹ chuyển tới trường nữ sinh.
Năm 13 tuổi, Kick được đưa tới Viện nữ tu Sacred Heart ở Greenwich, bang Connecticut, một tòa nhà u ám nằm ở Long Island Sound. Vào viện nữ tu nhưng nơi đây dường như không phù hợp với Kick - một người có sức quyến rũ và không bao giờ thất bại một khi đã muốn gây sự chú ý với người khác giới. Theo bà Lynne McTaggart, tác giả cuốn Kathleen Kennedy: Her Life and Times (Kathleen Kennedy: Cuộc sống và Thời đại) xuất bản năm 1983, Kick thường hẹn hò với bạn bè của các anh trai.
Kick và người chồng ngoại quốc.
Khi ông Joseph Kennedy được chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại Anh, ông và cả gia đình dọn tới London. Lúc đó, Kick 18 tuổi, tràn trề năng lượng của cô gái mới bước vào đời. Cô thu hút ánh nhìn của gần như tất cả mọi người ở Anh. Kick có sức quyến rũ đặc biệt. Nét đáng yêu thể hiện mỗi khi cô hay bông đùa, hay mỗi khi cô tóp tép nhai kẹo cao su trong lúc tản bộ dọc các con phố London. Cô gái thường cởi giày và thoải mái ngồi trên sàn nhà mỗi khi được bạn bè mời tới nhà chơi.
Tại một bữa tiệc, Kick đã gặp William Cavendish, Hầu tước xứ Hartington - người sắp trở thành Công tước xứ Devonshire tương lai. Anh chàng được Kick đặt ngay cho cái tên Billy. Billy là một anh chàng ngọt ngào, có phần nhút nhát hơn so với cá tính sôi nổi của Kick. Chàng trai theo đạo Tin lành, còn cô gái theo đạo Thiên chúa. Họ nhanh chóng phải lòng nhau.
Trong khi Anh đang chuẩn bị không kích sau khi Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, ông Joseph Kennedy đã đưa cả gia đình về Mỹ cho dù Kick khẩn khoản xin ở lại với Billy. Cô đã đấu tranh với bố suốt hai tuần, cầu xin ông cho cô ở lại. Nhưng cô gái đang yêu vẫn phải về Mỹ. Bốn năm sau đó, Kick sống ở Mỹ, đi đi về về giữa Hyannis Port, bang Massachusetts và Washington, DC. Còn Billy ở trong quân đội Anh, thậm chí có thời gian còn đính hôn với một cô gái khác.
Trong khi đó, với lòng quyết tâm trở lại Anh, Kick đã tham gia Hội Chữ thập đỏ - tổ chức thường đưa tình nguyện viên tới Anh. Cuối cùng, Kick cũng có cơ hội trở lại London. Ngay lập tức, cặp tình nhân kết nối lại như chưa hề có khoảng thời gian xa cách.
Mẹ của Kick không hài lòng với chuyện con gái yêu một người theo đạo Tin lành. Đối với bà, kết hôn với một người ngoài giáo hội có lẽ là tội lỗi lớn nhất mà một người có thể phạm phải, điều đó có nghĩa là phải sống cả đời trong tội lỗi và phải xuống địa ngục. Thế nhưng, Kick bất chấp cơn giận của mẹ và kết hôn với Billy. Họ làm đám cưới theo nghi lễ bình thường vào tháng 5-1944. Chỉ anh trai của cô Joe Jr là người thân duy nhất tham dự lễ cưới.
Bi kịch nối tiếp bi kịch
Bốn tuần sau, Billy nhận lệnh ra mặt trận ở Bỉ. Tháng 8 năm đó, Joe Jr thiệt mạng trên chuyến bay phát nổ trên bầu trời Pháp vì bị gài bom. Chưa đầy một tháng sau, tức bốn tháng sau lễ cưới, Billy bị một tay bắn tỉa Đức bắn xuyên tim. Có lẽ với một cô gái trẻ như Kick, không còn điều gì có thể tồi tệ hơn, thế nhưng, những người dòng họ Kennedy không khóc.
Sau khi dự đám tang anh trai ở Mỹ, Kick trở lại Anh và chẳng bao lâu con tim đã vui trở lại. Tình yêu mới của cô là Peter Fitzwilliam. Một lần nữa, Kick lại yêu một người theo Tin lành và giàu có. Điều khác biệt là anh ta đã có vợ và lại là một tay cờ bạc. Fitzwilliam đang làm thủ tục ly dị vợ khi bắt đầu hò hẹn với Kick. Dù vậy, bố mẹ cô vẫn cực lực phản đối mối quan hệ này và dọa từ mặt con gái.
Tác giả McTaggart lý giải tâm lý của Kick: "Khi người ta chứng kiến quá nhiều bi kịch thời chiến tranh, họ cảm thấy rằng tốt hơn hết là hãy sống cho hiện tại. Fitzwilliam có rất nhiều tiền và rất vui tính. Tôi cho rằng xác suất anh ta chung thủy với Kick là số 0".
Một lần nữa, tình yêu của Kick lại kết thúc trong bi kịch. Cặp đôi đã lên máy bay tới Riviera ở Pháp để gặp cha Kick. Bão đã làm cho máy bay lao vào núi, giết chết toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Ông Joseph lúc đó đang ở châu Âu là người duy nhất trong nhà Kennedy có mặt tại lễ tang Kick. Lúc đó, sự nghiệp chính trị của anh trai Kick là John Frank Kennedy đang nảy nở và cuộc sống của Kick có nhiều bê bối nên gia đình Kennedy đã giữ im lặng về cái chết của cô. Cô được chôn cất trong một khu đất nhà thờ nhỏ ở Edenser, nước Anh. Bia mộ ghi tên Kathleen Cavendish, Nữ hầu tước Hartington. Trước đó, chồng cô là Billy được chôn ở Bỉ theo đề nghị của gia đình anh.
Theo người cháu cùng tên, thời đó, con người cần lòng dũng cảm và tinh thần mạnh mẽ để tiếp tục sống khi đối diện với bi kịch. Quyết định của Kick do chính cô đưa ra chứ không phải do cha mẹ hay xã hội chi phối. Tới nay, cô cháu gái Kick vẫn trân quý bức ảnh người họ hàng cùng tên mặc bộ đồng phục Hội Chữ thập đỏ.
Tác giả McTaggart kết luận: "Kick là người nổi loạn duy nhất trong gia đình. Nếu bạn nhìn cả 9 người con của gia đình Kennedy, cô là người duy nhất không đi theo con đường đã được định sẵn".
Theo CAND