Theo các chuyên gia, khoảng 5 năm về trước, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 80% lượng hàng xuất nhập khẩu của cả nước và được đánh giá có hạ tầng cơ sở phát triển nhưng mạng lưới dịch vụ IDC logistics chưa phát triển mạnh. Hiện nay, loại hình logistics đang có sự phát triển mạnh mẽ, có thể kể đến như dịch vụ kho bãi, vận chuyển… với các đơn vị như ICD Sóng Thần 2, ICD TBS Tân Vạn... Đây là những cơ sở có hạ tầng hoàn chỉnh, cung cấp 4 dịch vụ: Xếp dỡ, bảo quản container; lưu kho bãi; vận chuyển container và hải quan.
Đến nay toàn tỉnh có trên 40 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải chuyên thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Bên cạnh đó, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sông cũng phát triển khá mạnh với nhiều bến cảng đường sông được quy hoạch nhằm phục vụ việc bốc dỡ và thông quan hàng hóa bằng đường sông như cảng Bà Lụa, cảng Bình Dương, cảng Thạnh Phước… cùng hàng chục bến thủy nội địa phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa. Bên cạnh đó, Bình Dương còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, có ga Sóng Thần hàng năm vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng hóa.
Như vậy, dịch vụ logistics được xác định là lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cần phát triển mạnh, là ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” cần tập trung phát triển có trọng điểm. Xét về hiệu quả kinh tế, có thể thấy tỉnh Bình Dương đã khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng thị trường và đưa dịch vụ logistics thành một ngành kinh doanh quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh nhà. Thực tế cho thấy, các trung tâm IDC - logistics hiện nay trên địa bàn tỉnh đang trên đà phát triển mạnh, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của doanh nghiệp…
VÂN NHI