Hôm nay (23-3), lễ phát động Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ–PCCN) lần thứ 14 năm 2012 của tỉnh chính thức được tổ chức tại sân trước Trung tâm hội nghị - sự kiện Lucky Square (số 01 đại lộ Nguyễn Huệ, thành phố mới Bình Dương). Đây là sự kiện lớn đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ) và các cấp, các ngành, địa phương hướng tới sự cam kết chung cùng hợp tác nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ và cộng đồng. Đông đảo học sinh, công nhân lao động tham gia hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN năm 2011
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN Huỳnh Thị Hồng Thu cho biết: “Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 14 được phát động với chủ đề: “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp (DN) và NLĐ”. Chủ đề năm nay nhằm phát động chiến dịch tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể, các DN, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và toàn thể nhân dân lao động, đặc biệt là các DN có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của NSDLĐ và NLĐ trong công tác bảo đảm ATVSLĐ. Đây là một hoạt động thiết thực thúc đẩy một cách toàn diện việc cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và PCCN nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe NLĐ, bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là một sự kiện quan trọng hưởng ứng Ngày thế giới về ATVSLĐ tại nơi làm việc hàng năm (28-4)”.
Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 15.216 DN với tổng số lao động 764.029 người, tăng 46.179 người so với năm 2010 (6,43%). Đa số các DN đều quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ qua việc thành lập bộ phận y tế tại DN; từng bước trang cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ và đúng chủng loại, bảo đảm về chất lượng; tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ, lập bảng chỉ dẫn và đề ra các biện pháp an toàn lao động niêm yết tại nơi làm việc, che chắn các thiết bị truyền động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; cải thiện điều kiện lao động, trang bị các phương tiện chữa cháy đủ về số lượng và chất lượng; đội PCCC ở cơ sở được huấn luyện mang tính chuyên nghiệp và thường xuyên được thao dượt nhằm bảo đảm chủ động thực hiện, giải quyết kịp thời các vấn đề về an toàn PCCN tại đơn vị. Thông qua Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN của tỉnh nói riêng và Trung ương nói chung, đa số NSDLĐ, NLĐ và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, NSDLĐ đã nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Đến nay, có 266 DN hoàn tất hồ sơ theo mẫu quy định, đạt 101,04% so với kế hoạch năm, tăng 105 bộ hồ sơ so với năm 2010. Trong năm 2011, lực lượng cảnh sát PCCC đã ứng phó kịp thời cứu được khối lượng tài sản ước tính trị giá 103 tỷ đồng qua công tác chữa cháy.
Để phát huy kết quả đã đạt được, chủ đề được lựa chọn và phát động trong năm 2012 đã thể hiện trách nhiệm của NLĐ, DN và toàn xã hội trong việc thực hiện và bảo đảm ATVSLĐ-PCCN; đồng thời kêu gọi DN, NLĐ và mỗi gia đình thấy được lợi ích chính đáng và lâu dài của việc bảo đảm ATVSLĐ-PCCN, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Bảo hộ lao động giai đoạn 2011-2015. Gắn với chủ đề nêu trên, Ban chỉ đạo tỉnh đề ra một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện: Đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động thông tin - giáo dục - tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ; phòng chống bệnh nghề nghiệp; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo hộ lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội nhằm tạo ra những chuyển biến đáng kể về ý thức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN, NSDLĐ và NLĐ trong lĩnh vực ATVSLĐ-PCCN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Xử lý nghiêm các vi phạm về ATVSLĐ-PCCN
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, của các ngành, các cấp và các DN, công tác ATVSLĐ-PCCN đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ xảy ra còn nhiều, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Một số DN, nhất là DN vừa và nhỏ chưa thật sự quan tâm đầy đủ đến việc hướng dẫn, huấn luyện và trang bị bảo hộ cần thiết để hạn chế, ngăn chặn tai nạn lao động. Tôi đề nghị các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin, huấn luyện, phổ biến kiến thức, hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN tới NSDLĐ và NLĐ. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ-PCCN đối với các DN, chú trọng DN có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ và đồng thời xử lý nghiêm đối với các vi phạm về pháp luật lao động, về an toàn PCCN...
VĂN SƠN