Bình Dương - Dấu ấn 1/4 thế kỷ- Bài 2

Cập nhật: 22-12-2021 | 06:01:54

Bài 1: Khởi đầu cho hành trình bứt phá

Bài 2: Dám nghĩ, biết làm

 ‘‘Khi bước vào quá trình xây dựng và phát triển, Bình Dương đã kế thừa những thành tựu của Sông Bé, đặc biệt là tư duy “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”. Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung là mục tiêu xuyên suốt, vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã nỗ lực tập trung mọi nguồn lực thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghiệp là trung tâm

Trong câu chuyên với phóng viên Báo Bình Dương về sự kiện chia tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đồng chí Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định rằng: “Khi được tách ra, Bình Dương thuận lợi hơn vì địa bàn nhỏ hơn, một số vùng ở phía Nam đã có mầm mống phát triển công nghiệp, dịch vụ. Khi tách ra, Bình Dương có cơ hội để tham gia vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam một cách xứng đáng”…

Tiếp nối thành công từ KCN Sóng Thần I, Bình Dương tập trung phát triển thêm nhiều KCN khác, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, tạo bước đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội

Thế rồi, cuối năm 1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VI đã xác định mục tiêu, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao, ổn định, tạo điều kiện tích cực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề bức thiết của xã hội. Đặc biệt, nghị quyết đại hội xác định: “Công nghiệp là một khâu trung tâm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

"Bình Dương khi được tách ra, quyết tâm lắm, đặt vấn đề không để thua kém địa phương nào ở trong vùng. Vấn đề cụ thể đặt ra lúc này là gì? Thời điểm trước đó, Sông Bé cũ đã có một số KCN ở phía Nam, trong các năm 1995, 1996 tỉnh cũng đã bàn tới xây dựng KCN Việt Nam -Singapore I. Từ đó, tỉnh xác định tập trung phát triển một số KCN, xác định các nhiệm vụ trọng tâm…”.

(Đồng chí Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh)

 

Căn cứ vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển các KCN tập trung trên địa bàn. Thành công của các KCN đầu tiên như Sóng Thần I (thành lập năm 1995) đã mở màn cho sự hình thành và phát triển thêm các KCN. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch 13 KCN tập trung với diện tích 6.200ha. Khi bước vào quá trình xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có 7 KCN được Chính phủ cấp phép thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.500ha. Đó là các KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An, Bình Đường, Việt Hương, Tân Đông Hiệp và KCN Việt Nam - Singapore.

Việc hình thành các KCN tập trung đã mạng lại những kết quả rất đáng phấn khởi. Lúc này, số vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Bình Dương bắt đầu có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào những KCN đã đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, sự hình thành các KCN đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, từng bước hình thành các khu đô thị mới. Hiệu quả rõ nét của các KCN là đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả từ việc phát triển các KCN đã thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, tạo được lòng tin của nhân dân.

Giữ vững tinh thần đổi mới

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương khi đó bên cạnh những thuận lợi, cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi phải có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, biết làm. Dù có vị trí địa lý thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng Bình Dương khi đó xuất phát điểm thấp so với các tỉnh, thành lân cận. Hơn thế nữa, Bình Dương lại không có cảng biển, sân bay, cũng là một khó khăn trong quá trình “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”.

Đồng chí Hồ Minh Phương chia sẻ, không có cảng biển, sân bay nhưng nếu biết cách làm, vẫn có thể biến những khó khăn này thành lợi thế. Bởi, từ Bình Dương xuống các cảng biển, sân bay không quá xa. Vậy thì phải mở đường rộng ra, đó là những con đường mang tính chiến lược như Quốc lộ 13. Không phải là có cảng biển, sân bay mà nhà đầu tư tới, quan trọng hơn là cách chính quyền đối xử với doanh nghiệp. “Hồi đó, Bình Dương tiếp nối khẩu hiệu “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, sau đó là “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”. Bình Dương luôn chủ động đề ra trước các chính sách, đặc biệt là trong quan hệ, đối xử với nhà đầu tư. Theo tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, trước khi đến họ thường coi nội bộ ra sao, cách đối xử của chính quyền với doanh nghiệp ra sao? Mình đối xử tốt với người ta rồi, tiếng thơm bao giờ cũng bay xa. Đất lành, chim đậu. Mình làm tốt, nhà đầu tư họ truyền tai nhau, chính vì thế các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… rất coi trọng Bình Dương, xem đây là điểm đến hấp dẫn”.

Xuất phát từ quan điểm đó, tỉnh tập trung đầu tư vào những công trình trọng điểm, cụ thể là quyết định làm công trình Quốc lộ 13, coi đây là huyết mạch giao thông quan trọng cho phát triển công nghiệp. “Làm được con đường này, nhà đầu tư mới đến các KCN như Việt Nam - Singapore I, các KCN ở phía trên Mỹ Phước 1, 2, 3. Nếu không làm Quốc lộ 13, không thể giải quyết được bài toán thu hút đầu tư. Cho nên nói đầu tư công trình trọng điểm là phải nhấn vào tính trọng điểm, không dàn đều ra, chỗ nào cũng làm thì sao gọi là trọng điểm. Lúc đó, Bình Dương quyết định làm một số công trình mang tính chất trọng điểm như vậy để mở ra con đường đi lên...”, đồng chí Hồ Minh Phương nói.

Song hành với đầu tư các công trình trọng điểm, Bình Dương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. “Cơ chế một cửa, một dấu” thời điểm đó đã đưa tỉnh vươn lên vị trí hàng đầu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI). Nói về điều này, đồng chí Hồ Minh Phương cho biết: “Một cửa, một dấu là thế này: Trước đó, nhà đầu tư vào, phải đi hết các sở, ngành chức năng để làm các thủ tục hành chính liên quan, rất mất thời gian và gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp. Sau này, tôi không đồng ý như vậy, giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư chịu trách nhiệm hết, doanh nghiệp chỉ cần đến sở này thôi, không phải đi đến các sở, ngành khác. Tỉnh ra quy định ngày thứ 5 hàng tuần, Sở Kế hoạch & Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan báo cáo cho UBND tỉnh về công tác thủ tục hành chính”…

Với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã đề ra. Những thành tựu này là tiền đề quan trọng, tạo thế và lực mới để Bình Dương vững bước, tiếp tục tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa… (Còn tiếp)

Trong giai đoạn từ 1997-2000, tổng sản phẩm trong tỉnh của Bình Dương duy trì mức tăng trưởng bình quân 14%/năm; thu ngân sách tăng 9%/năm; thu nhập bình quân theo đầu người tăng 10,4%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2000 của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng: 58% - 25,1% - 16,9%. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng bình quân 32,4%; trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 9%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 27%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 46%...

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2256
Quay lên trên