Bình Dương đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường tiểu học

Cập nhật: 17-12-2023 | 15:02:43

(BDO) Song song với các phương pháp giáo dục truyền thống, việc thực hiện dạy và học theo phương pháp giáo dục STEM đã dần khẳng định tầm quan trọng khi mang tới cho giáo viên và học sinh (HS) nhiều trải nghiệm hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngay từ năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT đã triển khai thí điểm giáo dục STEM ở một số cơ sở giáo dục, tiến tới triển khai đại trà tại tất cả các trường tiểu học trên toàn tỉnh vào năm học 2024-2025.

Đổi mới việc dạy và học

STEM là viết tắt tiếng Anh của các môn học: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math). Đây là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất, năng lực cho HS.

Học sinh trường Tiểu học Tuy An (TP.Thuận An) hào hứng với tiết học STEM

Thực hiện định hướng trên, trường Tiểu học Tuy An (phường An Phú, TP.Thuận An) đã triển khai cho giáo viên các khối lớp lồng ghép giáo dục STEM và dạy học tích hợp vào các môn học. Theo thầy Hồ Tấn Tài, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tuy An, đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM trong nhà trường nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của HS là yêu cầu cấp thiết trong năm học 2023-2024. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện, khích lệ đội ngũ giáo viên mạnh dạn đổi mới, tìm điểm sáng tạo trong chuyên môn giảng dạy. 

STEM phù hợp với chương trình giáo dục tiểu học giúp HS được tiệm cận sớm với giáo dục trong thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất. Mô hình STEM được đưa vào chương trình tiểu học giúp các em vừa học vừa giải trí thông qua tích hợp lý thuyết với thực hành. Ứng dụng nhiều môn học, tiết học hấp dẫn hơn, giúp HS khắc sâu kiến thức hơn.

Cô Mai Thị Hằng, giáo viên trường Tiểu học Tuy An, cho biết hình thức học tập gắn liền với thực hành qua phương pháp giáo dục STEM đã mang đến sự hào hứng cho HS, vì các em được trực tiếp thực hành, trải nghiệm, lĩnh hội và học hỏi kiến thức bài học. “Mô hình STEM đem tới nhiều cơ hội để các em có thể phát triển toàn diện về mọi mặt, từ năng lực đến phẩm chất, tạo cho các em cơ hội ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế; phát huy năng lực sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề; cơ hội trải nghiệm khả năng nghệ thuật qua việc trình bày sáng tạo những ý tưởng để hoàn chỉnh sản phẩm; nâng cao tinh thần đồng đội ở khả năng làm việc, cộng tác nhóm”, cô Hằng nhấn mạnh. 

Những năm học vừa qua, phong trào dạy học STEM trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng trong các trường tiểu học. Tùy vào điều kiện thực tế các đơn vị có thể tổ chức theo các hoạt động khác nhau, như: Bài học STEM; hoạt động trải nghiệm STEM; làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học Sở GD&ĐT, cho biết hiện nay sở đã trang bị 27 phòng học STEM cho các trường tiểu học trong tỉnh phục vụ việc dạy học trải nghiệm đối với giáo viên và HS tại các trường tiểu học. Các trường tiểu học tham gia thí điểm đã chủ động, tích cực triển khai giáo dục STEM một cách nghiêm túc. Bước đầu đã đạt được những kết quả tốt đẹp, có sức lan tỏa cao.

Để STEM hiệu quả hơn

Triển khai có hiệu quả việc tổ chức thực hiện giáo dục STEM theo định hướng Chương trình GDPT 2018 là một trong những nét nổi bật của ngành giáo dục tiểu học Bình Dương trong năm học vừa qua.

Để triển khai hiệu quả việc áp dụng phương pháp giáo dục STEM ở bậc học tiểu học nhằm trang bị cho HS những kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp và rèn luyện tư duy phản biện.., ngành GD&ĐT đã tập trung triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. 

Giáo dục STEM là mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại. Dạy học theo định hướng STEM là giảng dạy tích hợp 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, theo nguyên tắc giảng dạy kiến thức thông qua thực hành. Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024 thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học, tiến tới từ năm học 2024-2025 thực hiện đại trà. Do đó, để thực hiện hiệu quả STEM, trước mắt các trường được chọn thí điểm cần tiếp tục bám sát kế hoạch chỉ đạo của sở, cụ thể hóa triển khai ở đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế.

“Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT đã triển khai thí điểm giáo dục STEM ở một số cơ sở giáo dục trong tỉnh, tiến tới triển khai đại trà tại tất cả các trường tiểu học trên toàn tỉnh vào năm học 2024-2025. Để triển khai giáo dục STEM trong năm học mới, sở đã chủ động xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể. Trước khi triển khai, ngành GD&ĐT đã tổ chức tập huấn và bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên các kiến thức về giáo dục STEM. 

Nhiều trường tiểu học đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện giáo dục STEM theo định hướng Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng đáp ứng của nhà trường”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết cho biết thêm.

Đến nay, hầu hết các trường tiểu học đều tiếp cận giáo dục STEM, thế nhưng thực tế cho thấy đa số vẫn là sự ứng dụng chưa hoàn chỉnh. Cách làm chủ yếu của các trường là tổ chức tích hợp qua các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp mang những nét đặc trưng gần với hoạt động trải nghiệm STEM. Cô Lê Thị Mỹ Huệ, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Hưng (huyện Bàu Bàng), cho biết phòng học STEM của nhà trường được trang bị đầy đủ các thiết bị thông minh và chủ yếu được sử dụng cho các môn khoa học và tiếng Anh của khối lớp 4 và 5. Tuy nhiên, do diện tích phòng nhỏ so với sĩ số của lớp nên mỗi lần học phải chia lớp ra làm 2 ca học phần nào cũng gây khó khăn cho giáo viên. 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết cho biết thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các trường; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cấp huyện và cấp tỉnh; đồng thời tiến hành đánh giá hiệu quả và sơ kết về mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học tại các trường thí điểm. Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị tốt cho công tác thí điểm tại các địa phương, sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch chỉ đạo trường tiểu học triển khai giáo dục STEM, đồng thời tích cực tham mưu với UBND cấp huyện để bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất cho việc triển khai.

Là chương trình giáo dục được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, STEM được coi là xu thế giáo dục của thế giới hiện đại với nhiều điểm ưu việt. Tin rằng, tiếp cận với những bước đột phá mới trong giáo dục, ngành GD&ĐT sẽ vững vàng rèn luyện chuyên môn để mỗi ngày mang đến cho HS những tiết học hay, những bài học lý thú.

HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=554
Quay lên trên
X