Bình Dương luôn coi trọng chất lượng doanh nghiệp

Cập nhật: 30-12-2019 | 17:29:43

Những năm qua, với những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã có bước đột phá cả về chất lượng lẫn số lượng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cơ khí Phương Vy (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY

Phát triển mạnh về chất

Cách đây gần 3 năm, trong chuyến làm việc tại Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải coi động lực tăng trưởng của tỉnh là dựa trên tăng năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo; cần tạo sự gắn kết tốt hơn giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài. Thủ tướng “đặt hàng” tỉnh đến năm 2020 phải có 50.000 DN.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020 tỉnh có thể đạt số 50.000 DN như chỉ tiêu Thủ tướng đặt ra cho tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 42.269 DN đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 357.680 tỷ đồng. Đáng chú ý, cùng với sự gia tăng số lượng DN thì chất lượng DN của tỉnh được nâng lên rõ rệt.

Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư trong nước vào tỉnh tăng mạnh, chỉ riêng trong năm 2019 đã thu hút 56.702 tỷ đồng. Về đầu tư nước ngoài, năm 2019 tỉnh thu hút 3,067 tỷ USD (vượt 119% kế hoạch năm, tăng 49% so với năm trước). Toàn tỉnh hiện có 3.753 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,23 tỷ USD. Như vậy, 2 chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng số lượng DN trong nước tại tỉnh đều về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra.

Ông Dũng cho biết trong khoảng thời gian còn lại, tỉnh tiếp tục có nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn, hỗ trợ DN để tiếp tục nâng cao chất lượng DN. Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tỉnh thiết lập các thiết chế mềm thông qua các chính sách khuyến khích, hệ thống quản trị hiện đại và thúc đẩy sự hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo dựa trên sự hợp tác chặt chẽ và tương tác giữa các chủ thể đổi mới sáng tạo trong vùng. Thực hiện nhiệm vụ này nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trong hợp tác “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), thúc đẩy các ngành công nghiệp, ươm tạo và thu hút các công ty công nghệ, sản xuất tiên tiến vào tỉnh. Về định hướng phát triển DN tỉnh nhà trong thời gian tới, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng đã đến lúc Bình Dương cần có định hướng phát triển DN cao hơn trong tình hình mới. Bình Dương phải phát triển lực lượng DN mạnh về chất chứ không phải đơn thuần chỉ phát triển về số lượng. Cần xây dựng một hệ sinh thái DN lớn có, nhỏ có để hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Trong đó, tỉnh cần xây dựng nhiều hơn các DN trụ cột như Tổng Công ty Becamex IDC để đẩy mạnh sự phát triển của các DN vệ tinh vây quanh.

Tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Hiện nay, vấn đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên đã được nhấn mạnh trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội.

Những năm qua, với định hướng xuyên suốt là phát triển thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã xây dựng rất nhiều hành động cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó có việc hiện thực hóa các chương trình phát triển DN với sự liên kết chặt chẽ và giúp sức từ “ba nhà”. Theo đó, vườn ươm DN thông minh của tỉnh đã ươm tạo được DN khởi nghiệp có hoạt động hiệu quả. Đây được xem là hiệu quả bước đầu của hướng phát triển này.

Thành công bước đầu và triển vọng phát triển của nhiều DN khởi nghiệp của tỉnh đang được vườn ươm hỗ trợ khơi lên cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều sinh viên. Đối với cách thức tổ chức và vận hành theo các giải pháp thông minh đã đạt một số hiệu quả trước mắt và làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trong thời gian tới sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ DN khởi nghiệp. Cuối năm 2019, tỉnh đã khai trương Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp nhằm đưa việc hỗ trợ từ “ba nhà” đến gần người dân, DN hơn, đồng thời thu hút nhiều viện, trường đến tỉnh. Qua đó, các nhà khoa học giúp DN trong tỉnh đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị sản xuất.

Doanh nghiệp cần có khát vọng
Kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chúng ta đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Chúng ta không chỉ quan tâm tới số lượng doanh nghiệp mà còn quan tâm đến chất lượng.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách; xóa bỏ các rào cản, độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân, bao gồm các dịch vụ công cộng cũng như bảo hộ, bảo vệ các hàng rào thương mại kỹ thuật. Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt. Đó chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp, thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính bắt buộc; thực hiện đầy đủ quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu uy tín quốc gia...

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên