PCI là bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đây là hoạt động thường niên, được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện cùng Phòng Thương mại Mỹ và Phòng Thương mại châu Âu. Để xếp hạng một tỉnh nào đó, VCCI mời 8.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước chấm điểm tỉnh, trên 9 hạng mục: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ (DV) hỗ trợ DN, đào tạo lao động (LĐ) và thiết chế pháp lý.
Đề án PCI là kết tinh của tình đoàn kết và quyết tâm sắt đá
Trong 3 năm đầu thực hiện PCI (2007-2009), Bình Dương luôn nằm trong top đầu bảng danh sách xếp hạng. Đặc biệt, năm 2008 và 2009, Bình Dương liên tục xếp hạng 2 trong cả nước. Song sau đó Bình Dương đã dần “tuột hạng” rời xa vị trí đầu bảng. Năm 2011, vẫn trong top 10 dẫn đầu cả nước, với thứ hạng 10, đến năm 2012, với số điểm tổng hợp kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương là 59,64 điểm, xếp vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành.
Các trang trại, DN nông nghiệp cũng đóng góp rất lớn cho kinh tế tỉnh nhà. Trong ảnh: Ông Mai Quốc Thái (giữa) thu hoạch hoa lan tại trang trại của gia đình ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng
Sự tuột hạng PCI làm lãnh đạo tỉnh rất lo lắng. Một loạt quyết định được ban hành: Quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 11-6- 2013 về việc phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (Đề án PCI), thành lập Ban chỉ đạo Đề án PCI, Tổ công tác giúp việc thực hiện đề án từ năm 2013 đến những năm sau này. Theo đó, lãnh đạo các cấp, các ngành đã quán triệt và chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện, xây dựng các giải pháp nhằm góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong những năm tới.
Đây chính là đề án thể hiện tính năng động, tiên phong mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất của lãnh đạo tỉnh. Đây chính là một trong 9 mục tiêu chấm điểm PCI, cũng chính là giải pháp trọng tâm mà Bình Dương đang hướng tới. Và sau hơn 3 năm huy động tổng lực hệ thống chính trị thực hiện Đề án PCI, từ chỉ số PCI năm 2013 là 58,15, xếp hạng thứ 30, đến năm 2015 đã nâng chỉ số PCI lên 58,89, nâng thứ hạng lên hàng 25! Nhờ vậy, cục diện Bình Dương đã nâng lên một tầm cao mới trong mắt DN, cũng như các tỉnh thành, bạn bè quốc tế.
Mục đích chính là hỗ trợ DN, hội nhập kinh tế quốc tế
Vẫn chưa trở lại vị trí đầu bảng, song phải công nhận nhờ thực hiện Đề án PCI, Bình Dương đang kiên cường lội nguợc dòng, nâng chỉ số PCI và thứ hạng. Toàn tỉnh hiện vẫn đang tích cực, quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số PCI, nhằm tập trung cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế pháp lý, đa dạng hóa các lĩnh vực DV hỗ trợ DN, nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, giải quyết nhanh các vướng mắc về quy định cho DN, nhà đầu tư về Luật DN, Luật Đầu tư, giảm thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, thực hiện các biện pháp giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường.
Với nhóm giải pháp trọng tâm là: Đề cao tính năng động tiên phong của lãnh đạo trong thực hiện các biện pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của PCI trong phát triển kinh tế - xã hội.
Và với kết quả vẫn còn khiêm tốn của năm 2015: hạng 25, UBND tỉnh, các ngành, các cấp càng quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp quyết liệt, nhằm nâng cao chỉ số PCI trong tương lai. Tiếp tục sử dụng các dịch vụ, thiết bị chuyên dùng hiện đại hỗ trợ DN tốt hơn như máy soi hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container di động, triển khai sử dụng chữ ký số, hệ thống thông tin điện tử tự động, cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) của Cục Hải quan, khai thuế qua mạng cho người nộp thuế, thực hiện DV thuế điện tử của Cục Thuế. Các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ kiểm toán năng lượng của Sở Công thương ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu. Trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư đi vào hoạt động và việc áp dụng máy lấy số tự động và triển khai công tác đăng ký kinh doanh qua mạng, đã công khai, minh bạch mọi quy trình, thủ tục hành chính, hồ sơ, biểu mẫu và tiến độ xử lý hồ sơ.
Đặc biệt qua việc triển khai thực hiện Đề án PCI, mọi khó khăn, vướng mắc của DN và nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết thỏa đáng thông qua các hội nghị đối thoại. Tại Hội nghị tiếp xúc ngành hàng và DN năm 2016, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phát biểu: Các sở, ban, ngành quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các DN trong quyền hạn, trình UBND tỉnh nếu vượt thẩm quyền giải quyết, hoặc báo cáo cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm cho việc đầu tư, SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh thuận lợi, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các thông tin thị trường, phát triển SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đáp lại thịnh tình “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” của lãnh đạo tỉnh, cộng đồng DN Bình Dương thời gian qua, đã rất tích cực, đồng thuận triển khai các giải pháp cải thiện môi trường SXKD, giải quyết lao động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế và nâng cao chỉ số PCI, cũng như chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương: “Ngành Công thương tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, nâng cao Chỉ số PCI và chỉ số hội nhập”.
Hàng quý, tổ công tác nắm tình hình hoạt động SXKD của DN báo cáo cho sở (có sự tham gia của Cục Thống kê tỉnh). Từ đó, lãnh đạo sở tổ chức đoàn đến làm việc tại các DN, hiệp hội. Qua đó, sở trực tiếp nắm tình hình SXKD, tình hình lao động, tình hình ký kết hợp đồng, đồng thời nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc cùng các đề xuất, kiến nghị của DN với Sở Công thương, để kiến nghị đến các sở, ngành có liên quan, UBND tỉnh, Bộ Công thương kịp thời giải quyết.
Riêng Sở Công thương đã triển khai thực hiện tốt các đề án Khuyến công địa phương và quốc gia nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và hỗ trợ các đề án chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chương trình Xúc tiến thương mại địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo để nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, ứng dụng thương mại điện tử... phục vụ hoạt động SXKD cho DN. Hỗ trợ các DN tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Xây dựng kế hoạch cung, cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu như lương thực (gạo), xăng dầu, gas, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thịt gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN ứng dụng thương mại điện tử trong SXKD, tổ chức các lớp bồi dưỡng các nghiệp vụ sản xuất sạch hơn, khuyến công, quản trị DN... ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Đồng thời cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật trên trang web của ngành công thương để DN nắm bắt thông tin về chính sách, thủ tục, để thực hiện đúng theo quy định.
B.A