Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vừa công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu của thế giới (Smart21). Bình Dương (đại diện duy nhất của Việt Nam) lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, xung quanh sự kiện này.
Bình Dương hướng tới nền sản xuất thông minh. Trong ảnh: Sản xuất bản mạch điện tử tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TIỂU MY
- Bình Dương vừa được ICF vinh danh trong danh sách Smart21, xin ông nói rõ thêm về sự kiện này?
- Trong khuôn khổ Hội thảo Smart21 của ICF diễn ra từ ngày 22 đến 25-2-2021 dưới hình thức trực tuyến, rạng sáng 25-2 (giờ Việt Nam) ICF đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu trên thế giới. Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh. Trước đó, tháng 10-2018, Bình Dương là địa phương đầu tiên ở Việt Nam đạt được Smart21 và chính thức trở thành thành viên của ICF. Tháng 10-2019 Bình Dương lần thứ hai liên tiếp được vinh danh.
Việc lựa chọn khu vực, thành phố đạt Smart21 năm 2021 bắt đầu thực hiện từ tháng 9-2020, dựa trên các tiêu chí khắt khe của ICF liên quan đến sự thịnh vượng đồng đều về kinh tế - xã hội (KT-XH) và sự phong phú về văn hóa, cùng nhau tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ, kiên cường. Theo kế hoạch, sau thông báo Smart21, ICF sẽ hoàn thành bảng câu hỏi chi tiết cung cấp thêm thông tin về các khu vực để chọn ra 7 cộng đồng nằm trong tốp 7 cộng đồng thông minh của năm 2021 và sẽ được công bố trong tháng 6-2021. Tốp 7 cũng sẽ là trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu của ICF diễn ra vào tháng 10-2021.
- Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đến sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà, thưa ông?
- Bình Dương đã khẳng định thương hiệu, lần thứ 3 liên tiếp được lọt vào danh sách Smart21. Kết quả này có ý nghĩa rất to lớn để Bình Dương tiếp tục đột phá phát triển KT-XH, khẳng định hướng phát triển TPTM của tỉnh là hiệu quả, phù hợp với xu thế chung toàn cầu. Nâng tầm Bình Dương lên một vị thế mới trên trường quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 TPTM thịnh vượng khắp thế giới của ICF. Đồng thời củng cố và gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các viện trường trên thế giới, là nền tảng cho phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
- Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai những chương trình hoạt động, giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Trong giai đoạn 2021- 2025, Bình Dương sẽ tập trung nguồn lực, bổ sung cập nhật chiến lược mới, quy hoạch Vùng Đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển Đề án TPTM trong thời kỳ mới. Về tầm nhìn quy hoạch tổng thể, Bình Dương đã xác định rõ giai đoạn tới Đề án TPTM sẽ được đặc biệt đầu tư phát triển, là mũi nhọn để đột phá vươn tầm quốc tế. Đề án tiếp tục giữ vững mục tiêu lớn đã đặt ra, đồng thời triển khai có trọng điểm, có chiều sâu hơn, chú trọng đẩy mạnh ĐMST và KT-XH số. Bình Dương với tiềm lực và vị thế mới, đã đến lúc có thể đưa ra những dự án táo bạo hơn, mạnh mẽ và cụ thể hơn, tạo động lực và sự lan tỏa cho toàn vùng và Việt Nam.
Về chiến lược, tỉnh vẫn phát huy sức mạnh công nghiệp, xác định đó là trọng tâm, đặc biệt là thúc đẩy công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, ĐMST, đồng thời tập trung hơn nữa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ chất lượng cao như thương mại quy mô lớn, thương mại điện tử, giáo dục - đào tạo chất lượng cao, đô thị hiện đại. Về quy hoạch, tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng đưa công nghiệp lên phía bắc, phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, đồng thời cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía nam, trong đó thành phố mới với quy hoạch hiện đại đồng bộ là trung tâm của tỉnh.
Để thực hiện tầm nhìn trên, một số định hướng lớn sẽ được Bình Dương chú trọng triển khai. Về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, tỉnh sẽ đẩy mạnh quy hoạch tổng thể, đặc biệt chú trọng phát triển Vùng ĐMST Bình Dương, trong đó xem thành phố mới - TP.Thủ Dầu Một là trung tâm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp trong tương lai, cụ thể là Khu công nghiệp Khoa học công nghệ Bình Dương đầu tiên tại huyện Bàu Bàng. Triển khai giao thông thông minh và logistics thông minh. Xây dựng văn hóa ĐMST, khởi nghiệp, tập trung vào việc không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Tiếp tục ứng dụng mô hình 3 nhà. Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa ĐMST đến mọi thành phần trong xã hội, từ đó ĐMST sẽ được lan tỏa, diễn ra trên bình diện sâu và rộng, giúp Bình Dương tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH trong giai đoạn mới.
Phát triển toàn diện, cân bằng nền kinh tế, phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ. Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, kết nối hợp tác quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình làng thông minh, nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó, tập trung đẩy nhanh phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong công nghiệp, phát triển sản xuất thông minh, nhà máy thông minh… ứng dụng các công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển giáo dục - đào tạo kỹ năng số trên tất cả các bậc học; đưa giáo dục STEM, STEAM vào các chương trình giáo dục, nhằm khuyến khích tính sáng tạo cho thế hệ trẻ, chuẩn bị sớm lực lượng lao động số và ĐMST cho tương lai. Các trường đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu trên.
- Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG LÊ (thực hiện)