Kỳ 3: Rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn
Bên cạnh các chính sách của Trung ương, thời gian qua Bình Dương đã có những cơ chế, chính sách hiệu quả phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn. Cùng với đó, tỉnh đã phát huy tốt phong trào chung sức cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, gắn với việc hoàn thành và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các xã xây dựng NTM trong tỉnh. Nhờ đó, đến nay thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn trong tỉnh không có nhiều chênh lệch.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế ở nông thôn nên khoảng cách về thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn trong tỉnh không có sự chênh lệch lớn. Trong ảnh: Hạ tầng giao thông tại Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) được đầu tư đồng bộ, khang trang. Ảnh: H.PHẠM
Phát triển công nghiệp rộng khắp
Những năm trước đây, trong khi các địa phương phía nam của tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An nhộn nhịp những dự án đầu tư công nghiệp, đô thị lớn thì những địa phương phía bắc của tỉnh như TX.Bến Cát, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên… nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Trong những năm gần đây, với sự định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự đồng thuận của người dân, các địa phương phía bắc của tỉnh đã nỗ lực phát triển khu, cụm công nghiệp (CCN) để đón đầu cơ hội, mời gọi nhà đầu tư.
Sau thành công của các khu công nghiệp (KCN) phía nam của tỉnh, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh, một mặt để tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương ở đây, mặt khác nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo cho người dân. Trong thời gian qua, sự có mặt của các KCN Singapore Ascendas Protrade, Việt Hương 2, Bàu Bàng, các CCN Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền… ở phía bắc của tỉnh đã tạo quỹ đất sạch lớn với hạ tầng bài bản, đồng bộ sẵn sàng đón nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới tìm về Bình Dương làm ăn. Có thể nói, việc dịch chuyển phát triển công nghiệp về các địa phương phía bắc của tỉnh đã tạo sự chuyển đổi cơ cấu lao động tại chỗ, kéo theo các hoạt động dịch vụ phát triển. Từ đó đời sống của người dân nơi đây cũng nhanh chóng được nâng lên.
Đến nay, huyện Bàu Bàng có 235 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 3.258,9 tỷ đồng và 42 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 652,3 triệu USD. Trong khi đó, KCN - đô thị Bàu Bàng theo quy hoạch đã được phê duyệt có tổng diện tích 2.200 ha, trong đó có 1.000 ha đất công nghiệp và 1.200 ha đất dịch vụ, tái định cư cho người dân. Đến nay, KCN này đã lấp đầy 95% diện tích đất công nghiệp, thu hút 95 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký lên đến 1,2 tỷ USD. Tháng 4- 2016, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) tiếp tục đầu tư xây dựng KCN - đô thị Bàu Bàng mở rộng với diện tích 1.000 ha theo điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-1-2016. Với việc mở rộng này đã nâng quy mô diện tích của KCN - đô thị Bàu Bàng lên tới trên 3.200 ha.
Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, là huyện mới nhưng được sự quan tâm kịp thời của tỉnh, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ huyện, sự đồng thuận của nhân dân huyện nhà, kinh tế - xã hội của địa phương đã bắt nhịp phát triển chung của tỉnh. Từ khi thành lập huyện đến nay, Bàu Bàng đã có sự phát triển nhanh về công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều dự án vốn đầu tư lớn. Năm 2015, cơ cấu kinh tế của huyện là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 56,4%- 26,1% - 17,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của huyện đạt 34,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh giảm còn 0,75%.
Cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn
Năm 1998, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND phát động phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây được xem là mốc khởi điểm, tiền đề cho thành quả đã đạt được trong phong trào của tỉnh suốt thời gian qua nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, cũng như chỉnh trang đường phố ở các khu trung tâm đô thị của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, Bình Dương đã thực hiện trên 2.100 công trình GTNT, chỉnh trang đô thị (CTĐT) với tổng chiều dài trên 1.200km, kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Sự phát triển của phong trào GTNT, CTĐT những năm qua đã góp phần xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn; rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo, mang lại cho nông thôn trong tỉnh bộ mặt mới, tiềm năng để phát triển. Tại huyện Dầu Tiếng, hiện có trên 95% tuyến đường chính của huyện được nhựa hóa, trên 85% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng các xã được cứng hóa bằng sỏi đỏ; các tuyến đường nội ấp, ngõ hẻm được mở rộng, xe cơ giới có thể lưu thông. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 36 triệu đồng. Trong khi đó, tại TX.Tân Uyên, hiện nay tỷ lệ đường ĐH được nhựa hóa đạt trên 98%, đường ĐX cứng hóa đạt 100%. Các công trình giao thông trọng điểm được tỉnh đầu tư như cầu, đường ĐT746, ĐT747A, ĐT747B… đã tạo sự kết nối quan trọng phục vụ cho quá trình phát triển của thị xã. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 43,1 triệu đồng; trong đó khu vực thành thị là 47,7 triệu đồng, khu vực nông thôn là 32,6 triệu đồng.
Với vai trò đi đầu để mở đường phát triển, hệ thống giao thông của tỉnh từ nhiều năm qua đã được quy hoạch, đầu tư theo hướng liên kết giữa chùm đô thị vệ tinh với các KCN, hướng về trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Nhờ sự kết nối liên thông trong thiết kế giao thông đã giúp rút ngắn khoảng cách địa lý giữa nông thôn và thành thị, góp phần tích cực vào việc xây dựng, phát triển đô thị Bình Dương văn minh, giàu đẹp.
Thực hiện tốt chương trình nông thôn mới
Bình Dương đã thực hiện xây dựng NTM rất sớm. Trước khi có tên gọi là NTM, tỉnh đã thực hiện thí điểm xã NTM từ năm 2000. Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được Chính phủ ban hành, Bình Dương đã ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 32 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 65% so với kế hoạch giai đoạn 2011-2020. Hiện tỉnh còn 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 8 xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2020, 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn.
Thực hiện xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được tỉnh đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng phát triển. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa đạt 85,5%; 98% tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 85% tuyến đường trục thôn xóm được cứng hóa… Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,91%; số xã đạt chuẩn y tế quốc gia là 97,8%; 100 xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ. Trong khi đó, tổng số chợ trên địa bàn nông thôn của tỉnh là 34 chợ. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người cả tỉnh đạt 71,3 triệu đồng; riêng đối với khu vực nông thôn đạt 59 triệu đồng...
QUỲNH NHIÊN
Kỳ 4: Nâng cao đời sống tinh thần cho người dân