Mấy ngày nay nhìn bố nằm thiêm thiếp, mê man trên giường bệnh. Khuôn mặt xương xương ngày thường của bố đã gầy lắm rồi, giờ đây hai hốc mắt như lõm hết vào bên trong, má hóp thật sâu.
Con chợt nhớ ngày còn nhỏ, con thường đưa tay sờ mặt bố rồi hỏi: “Sao mặt bố lồi lõm quá vậy?”. Bố đã trả lời rằng: “Chỗ hóp này bố dành để chứa đựng tình thương của bố đối với các con”. Con cầm lấy bàn tay nóng ấm của bố mà rơi nước mắt. Bố ơi, tình thương của bố đối với chúng con là vô bờ bến.
Năm 20 tuổi, bố - một anh học trò nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ phải sống nhờ chú thím, đi hỏi cưới cô hàng xóm 18 tuổi làm vợ. Đôi vợ chồng trẻ tay trắng ra riêng. Mẹ mở cửa hàng bán gạo nuôi bố đi học tiếp hai năm nữa để ra làm công chức. Khi chị gái đầu của tôi được một tuổi, bố mẹ chuyển nhà từ quê ra thành phố để thuận tiện cho việc làm của bố. Tại đây, mẹ cũng mở cửa hàng bán gạo, than, củi… tại nhà. Tôi và hai em trai nữa lần lượt ra đời.
Ngày tôi còn nhỏ, buổi chiều đi làm về, bố bỏ vội chiếc cặp, thay bộ quần áo bảo hộ, đạp chiếc xe ba gác chở gạo, than đi bỏ cho nhà người ta. Chẳng bao giờ bố biết một ly bia, một điếu thuốc. Nếu có ai mời, bố luôn từ chối: “Tôi không biết uống, ở nhà các cháu còn nhỏ, phải về lo cho chúng”.
Năm tôi vào trung học, lớp học của tôi có nhiều bạn gia đình khá giả, nhiều bạn đi học có xe hơi đưa đón. Một hôm nhỏ bạn ngồi bên cạnh hỏi tôi: “Bạn nói bố bạn là công chức, sao buổi chiều mình thấy bố bạn đạp xe ba gác?”. Tôi đã về khóc với bố, nói rằng tôi mắc cỡ với bạn bè, rằng tại sao bố không thuê người làm… Đáng lý ra bố phải giận tôi ghê gớm, nhưng lúc đó bố đã nói với tôi: “Sao con không hỏi nhà bạn có mua gạo, than, củi, mắm… của mẹ không, bố sẽ chở đến cho họ”. Bố đã khiến tôi hiểu ra rằng chẳng có gì phải mặc cảm khi mình nghèo mà ngược lại, đồng tiền kiếm được do công sức lao động mình bỏ ra là điều rất đáng tự hào. Từ đó, nhà tôi có thêm nhiều khách hàng là những gia đình của bạn bè chúng tôi.
Mẹ mất năm hai chị em tôi vào đại học. Thời bao cấp khó khăn, bố gồng gánh gà trống nuôi con với đồng lương công chức ít ỏi. Bố tiết kiệm, nhịn ăn, nhịn mặc dồn hết tất cả cho các con. Biết chúng tôi ăn uống ở ký túc xá thiếu thốn, hàng tháng bố đón xe đò đi mấy trăm cây số lên thăm. Từ bến xe vào trường gần ba cây số, thế mà bố cứ đi bộ với chiếc đòn gánh trên vai, một đầu là túi gạo, một đầu là giỏ thức ăn. Vào đến ký túc xá, bố bỏ thức ăn ra bàn và mời hết bạn bè của chúng tôi xúm xít lại. Số thức ăn nếu chỉ hai chị em tôi dùng cũng phải được cả tuần lễ, thế nhưng bố luôn nói: “Các con sống chung với bạn bè, phải biết đoàn kết, gắn bó và chia sẻ. Hôm nay mình có cái này chia cho bạn, ngày mai bạn có cái khác chia cho mình. Chia sẻ không những về vật chất mà cả về tinh thần nữa, khi bạn gặp khó khăn mình phải đến với bạn để bạn không cô độc”. Bởi vậy, mỗi lần bố đến, phòng ở của chúng tôi vui như Tết. Buổi tối bố ngủ cùng phòng với em trai tôi. Hôm sau bố về, tờ mờ sáng, bố chưa dậy mà bạn bè của em đã ra bến xe xếp hàng mua vé cho bố.
Chị em chúng tôi ra trường, ổn định việc làm, bố lại lo lắng chuyện trăm năm cho chúng tôi. Năm chị gái đầu 30 tuổi, là kỹ sư quen với anh rể tôi chỉ là công nhân. Khi hai người đến xin cưới, bố ngại ngần: “Bố sợ rằng chúng con sẽ không hạnh phúc nếu trình độ chênh lệch như thế!”. Thế nhưng, khi cưới nhau rồi, bố tuyên bố nuôi chị, để chị dành tiền nuôi anh học đại học. Anh phấn đấu học tại chức bốn năm. Tốt nghiệp xong, bố mới đồng ý cho ra riêng. Bố nghỉ hưu, đến lượt tôi lập gia đình. Ngày tôi xây nhà mới, biết tôi eo hẹp về tài chính lại bận bịu công việc bố tình nguyện đến trông coi. Bố sắp xếp từng bao xi măng gọn gàng, thu lượm từng cọng sắt, từng viên gạch rơi vãi; bố đạp xe ba gác chở gạch men, thiết bị vệ sinh… về cho thợ làm. Cả một đời tiết kiệm, bố không dám lãng phí từ một sợi dây điện nhỏ. Có ai hỏi, bố lại nói: “Con làm ăn khó khăn mới có được, mình phải giữ cho con”.
Hai vợ chồng em trai tôi, vì yêu cầu công việc phải học tiếp sau đại học, bố tình nguyện trông cháu để vợ chồng em dành thời gian học tập. Học hết chương trình cao học, bố lại động viên em trai học tiếp tiến sĩ. Cả một đời bố dồn hết sức lực, giang đôi cánh tay cho bốn chị em tôi vững bước vào đời. Giờ đây, nhìn bố nằm đó, nhỏ bé và yếu đuối biết bao. Bố trở mình đòi uống nước, tôi đút cho bố thìa nước mà nước mắt lăn dài xuống má.
Người ta thường nói: “Cha đút cơm cho con, hai cha con cùng cười, con đút cơm cho cha, hai cha con cùng khóc”, nhớ ngày còn nhỏ mỗi lần cho chúng tôi ăn, bố đều ăn gian: “Con ăn 5 muổng nữa thôi nhé!”, đút cho con một muổng, con chạy đi chơi, quên đếm, bố đếm ngược lại, đến muổng thứ 5 là hết chén cơm. Biết bị mắc lừa, con nói: “Ứ. Bắt đền bố!”. Bố bế con lên cao, rồi hai cha con cười nắc nẻ.
Bố ơi, con cũng sẽ ăn gian khi đút cơm cho bố, và dứt khoát bố con mình không khóc phải không bố?
Theo PNO