Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh vừa tổ chức 2 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất có hiệu quả cho khoảng 70 nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bàu Bàng.
Chuyến tham quan này nhằm giúp ĐBDTTS tiếp cận với các mô hình sản xuất có hiệu quả của bà Thạch Thị Ngọc (người Khmer tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng). Tại đây, nông dân đã được tận mắt chứng kiến quá trình chăm sóc cao su, đàn bò của gia đình bà Ngọc. Nông dân cũng được trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh cho cây cao su, thức ăn và trị bệnh cho bò. Đặc biệt, họ còn nghe kể về quá trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của chính chủ nhân trang trại này.
ĐBDTTS lắng nghe chia sẻ của bà Thạch Thị Ngọc về quá trình khởi nghiệp
Cũng từ mô hình sản xuất và tâm sự của bà Thạch Thị Ngọc, ĐBDTTS tham quan mô hình cảm thấy có thêm động lực để phát triển kinh tế gia đình. Ông Trị Gây (SN 1946, người Khmer tại xã An Bình, Phú Giáo) nói, bà Ngọc rất bản lĩnh khi từ hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp. Học tập mô hình sản xuất này, ông sẽ về truyền lại cho con cháu.
Ông Phan Ngọc Của, Phó Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh nói, thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ĐBDTTS được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ, thực hiện đúng quy định, nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Nhờ những chính sách thiết thực, kịp thời, trực tiếp mà cuộc sống của ĐBDTTS được nâng lên rõ rệt, vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống của dân tộc mình. ĐBDTTS trong tỉnh luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới.q
T.LÝ