Tôi biết mẹ Nguyễn Thị Ba trong buổi lễ trao và truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng do tỉnh tổ chức cuối tháng 8-2014. Mẹ có chồng, con hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Mẹ rất vui khi nhận được phong tặng danh hiệu này”, mẹ Ba cười tâm sự với ánh mắt tự hào.
Ở độ tuổi 92 nhưng mẹ Nguyễn Thị Ba vẫn còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Chúng tôi đến thăm mẹ vào lúc giữa trưa, nắng như “đổ lửa” nhưng mẹ vẫn không nghỉ ngơi mà lục đục dọn dẹp các thứ trong căn nhà nhỏ tại ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng. Mẹ sống đơn giản, nhẹ nhàng cùng người con gái út Nguyễn Thị Liên (SN 1968). Quá khứ đã đi qua nhưng những câu chuyện ngày xưa mẹ vẫn nhớ rõ ràng.
Mẹ sinh ra trên mảnh đất Dầu Tiếng. Những năm 1940, cuộc sống tự do của người dân bị thực dân Pháp phá tan. Từ đó, mẹ nung nấu lòng căm thù giặc. “Mẹ thề cả đời sống vì lý tưởng cách mạng. Cả đời sẽ noi gương các cô, chú, bác, ba mẹ và các anh chị em đã một lòng cống hiến cho cách mạng”, mẹ Ba thủ thỉ.
Từ sự nhiệt huyết đã giúp mẹ vượt qua mọi hiểm nguy. Mẹ băng rừng, lội suối làm giao liên, cơ sở mật. Chồng mẹ, ông Nguyễn Văn Lắm (SN 1920) cũng là chiến sĩ thời kỳ đó. Ông sinh ra trên mảnh đất Củ Chi. Năm 1944, ông được điều về Dầu Tiếng công tác. Tại đây, ông gặp và đem lòng yêu cô gái quê gan dạ Nguyễn Thị Ba. Lấy chồng, mẹ theo chồng về Củ Chi sinh sống. Mẹ làm nông, chồng tiếp tục hoạt động mật. Sinh được 3 người con (Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Tới, Nguyễn Văn Tài), ông Lắm được điều về An Lập (Dầu Tiếng) công tác. Mẹ lại một lần nữa đưa con theo chồng.
Sống được vài năm trên mảnh đất An Lập, gia đình phải chuyển lên Định Hiệp để tránh bị địch dồn dân lập ấp chiến lược. Trong lúc cuộc sống đang dần ổn định, mẹ đau đớn nghe tin người con trai Nguyễn Văn Tới (SN 1949) hy sinh. Chị Nguyễn Thị Mười (SN 1956) - con gái mẹ kể, anh Tới dù đang còn trẻ nhưng đã theo ba vào rừng hoạt động. Anh hy sinh trong lúc giặc càn khắp khu vực Định Hiệp (năm 1967). Lúc đó, anh cùng 2 đồng đội trong tổ trinh sát biệt động phục kích địch. Địch phát hiện bao vây bắn chết các anh. Sau khi địch rút, đồng đội đến đưa xác các anh về chôn cất. Trong lúc bỏ đi, địch đã gài 3 trái lựu đạn dưới người các anh. 4 anh bộ đội không chú ý trong lúc khiêng xác đã bị trúng mìn. Giờ đây, 7 liệt sĩ đã được đưa về chôn chung tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng.
Nghe tin con hy sinh, mẹ cố gắng nuốt nỗi đau tiếp tục tảo tần nuôi các em, tiếp tế lương thực cho chồng trong vùng kháng chiến. Thế nhưng, ngày đứa con gái út Nguyễn Thị Liên chưa được 1 tuổi, chưa kịp biết mặt cha thì ông đã hy sinh. Ông hy sinh khi chống trả lại địch năm 1969. Chị Mười kể tiếp, ngày trước chị làm thông tin liên lạc cho bộ đội nên thường xuyên được vào rừng thăm ba. Lần thăm cuối cùng, ba đã ôm lấy chị và nhắc nhở phải thận trọng, ăn uống cho khỏe, đánh giặc giỏi cho mau đến ngày thống nhất, gia đình mình sẽ đoàn tụ. Hai hôm sau, chị nghe tin ba hy sinh. Chị đã khóc rất nhiều nhưng nghe lời ba, chị lau nước mắt tiếp tục hoạt động cách mạng.
Chồng mất, gần như toàn bộ gánh nặng gia đình trút lên đôi vai của mẹ. Mẹ một thân, một mình nuôi 6 người con. Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, mọi thành quả lao động đều bị giặc cướp, phá. Nhìn ruộng vườn tiêu điều, mẹ và các con càng uất nghẹn. Mẹ bảo: “Phải đánh đuổi giặc mới giành được chén cơm, manh áo. Còn chịu cảnh nô lệ thì còn nhục, còn bị bóc lột, cướp công”. Lời của mẹ đã tiếp thêm cho những người con còn lại bầu nhiệt huyết. Các con mẹ lần lượt lên đường làm nghĩa vụ: Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Thị Mười. Ai cũng có huân chương chiến công, được công nhận là người có công với cách mạng, riêng anh Tài là thương binh. Những người con kế tiếp: Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thị Liên, còn nhỏ nhưng đã phụ mẹ làm liên lạc. Những khi mẹ vắng nhà, các con chăm ngoan giúp việc nhà để mẹ yên tâm lo việc nước...
Qua câu chuyện gia đình mẹ, chúng tôi thầm nghĩ, mẹ như “mạch nước ngầm” trong lòng đất, nuôi dưỡng những mầm non, góp sức tạo ra những mùa hoa, trái ngọt trên mảnh đất Dầu Tiếng anh hùng.
THIÊN LÝ