Sự kiện khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải TX.Thuận An - nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt trong đô thị thứ hai trên địa bàn tỉnh diễn ra vào sáng nay (21-4), đánh dấu bước phát triển mới về công nghệ xử lý môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) được cơ quan chủ quản là UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án.
Đoàn cán bộ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực tế hoạt động ở Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TX.Thuận An. Ảnh: DUY CHÍ
Cách làm sáng tạo
Trước khi diễn ra lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải TX.Thuận An, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện chương trình giám sát tổng thể các hoạt động đầu tư, thực tế hoạt động tại các dự án sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà UBND tỉnh giao Biwase thực hiện từ trước đến nay. Kết quả giám sát cho thấy, Biwase là đơn vị sớm nhất tiếp cận nguồn vốn vay ODA để thực hiện các dự án mang tính công ích - xã hội, xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh.
Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TX.Thuận An nằm trong Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có tổng vốn đầu tư 2.475 tỷ đồng. Công suất giai đoạn I của dự án là 17.000m3/ngày đêm, bao phủ trên diện tích 3.163 ha với tuyến đường ống chính dài 290.000m. Nhà thầu chính công trình là Công ty Kobelco Eco - Solution (Nhật Bản); Liên danh tư vấn thiết kế, giám sát là các công ty NSC, ICC, Wase. Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 là nhà thầu phụ thi công trong thời gian 26 tháng (3-2015 đến tháng 5-2017). Dự án đã về đích trước kế hoạch 1 tháng. |
Vấn đề mang tính cốt lõi là trong thời gian chờ đợi giải ngân nguồn vốn, lãnh đạo Biwase đã bỏ công tìm kiếm, lựa chọn công nghệ, nhà thầu để có được kết quả cuối cùng là công nghệ sản xuất phân compos gắn với xử lý rác thải không chôn lấp. Sự lựa chọn này đã đưa Bình Dương tránh khỏi sai lầm mà nhiều tỉnh, thành khác mắc phải, khiến dự án phải “đắp chiếu”.
Biến chất thải thành tài nguyên
Tính toán của các nhà chuyên môn về lượng nước thải sinh hoạt của cư dân đô thị, cụ thể là hai đô thị lớn nơi đặt nhà máy xử lý nước thải làThủ Dầu Một và Thuận An cho thấy, nếu không có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cùng hệ thống thu gom khép kín đưa về nhà máy xử lý thì mỗi ngày hệ thống kênh rạch, sông ngòi phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải vào nguồn nước mặt, nước ngầm tự nhiên. Theo thời gian, nếu tình hình trên không sớm được ngăn chặn thì nguồn nước mặt, nước ngầm sẽ bị ô nhiễm, suy thoái như những thành phố lớn trên thế giới và trong nước đã diễn ra, kéo theo hàng loạt rủi ro mang tính hệ thống như ô nhiễm, dịch bệnh, giảm sút chất lượng cuộc sống…
Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TX.Thuận An (thuộc dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn II) có công suất giai đoạn I là 17.000m3/ngày đêm, tầm bao phủ của hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt là 3.163 ha qua các phường An Phú, Thuận Giao, Bình Hòa, Vĩnh Phú… của TX.Thuận An. Đây là nhà máy hiện đại, vận hành bằng công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ cải tiến ASBR; nước thải sau xử lý đạt loại A, Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT.
Trước đây, đến thăm Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP.Thủ Dầu Một (dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn I), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải lúc đó (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) sau khi tham quan một vòng nhà máy đã trực tiếp đến hồ điều hòa, là đầu ra cuối cùng của nguồn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy, theo dõi đàn cá tự nhiên tung tăng bơi ngược dòng tìm kiếm thức ăn. Sau đó, Phó Thủ tướng nói, thành công này sẽ được nghiên cứu nhân rộng ra cả nước.
Ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có thể được hiểu là Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP.Thủ Dầu Một vừa làm tốt vai trò xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn cao nhất trước khi trả lại môi trường tự nhiên, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển môi trường bền vững. Quan trọng hơn, vấn đề thu hồi xử lý chất thải và biến chúng thành nguồn tài nguyên hữu ích phục vụ cuộc sống mà Biwase đang thực hiện như tái chế các sản phẩm sau nước thải, rác thải thành gạch xây dựng, phân bón, nhiên liệu đốt, hóa chất… Đây chính là những bước đi cơ bản, làm nền tảng để Bình Dương tiến tới đô thị thông minh.
Ông CAO LẠI QUANG, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Bình Dương có tầm nhìn xa về đô thị và môi trường
Nhiều đô thị trên cả nước đang đứng trước thách thức về môi trường, bị ngập nước do thoát nước kém. Nhờ có tầm nhìn xa, Bình Dương đã kiến tạo được hệ thống hạ tầng hiện đại, hướng đến đô thị thông minh, thân thiện môi trường.
Ông TRẦN THANH LIÊM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Quản lý tốt, công nghệ hiện đại tạo sức cạnh tranh
Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, các dự án cấp thoát nước, xử lý môi trường của Biwase đã tiết kiệm được chi phí; cộng thêm năng lực quản lý tốt đã giúp ổn định giá thành so với các tỉnh, thành khác trong khu vực, góp phần tạo nên sức cạnh tranh chung của tỉnh.
Ông NGUYỄN TẦM DƯƠNG, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Biwase sử dụng vốn vay ODA hiệu quả
Qua giám sát thực tế hoạt động các dự án sử dụng vốn vay ODA tại Biwase cho thấy, nguồn vốn vay ODA đã được công ty sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, phát huy hiệu quả đầu tư, làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao và hoàn vốn đúng quy định. Từ đó góp phần tăng uy tín của Bình Dương trên trường quốc tế.
DUY CHÍ