Người biểu tình xông vào bên trong dinh tổng thống Sri Lanka.
Ngày 10/7, các đảng đối lập tại Sri Lanka đã nhóm họp nhằm đạt được nhất trí về việc thành lập chính phủ mới.
Ranjith Madduma Bandara, một quan chức hàng đầu trong đảng đối lập chính Lực lượng Nhân dân đoàn kết, cho biết đảng này đã tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với những đảng khác và những nghị sỹ rút khỏi đảng Podujana Peramuna (SLPP) cầm quyền của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc họp khác diễn ra. Ông Bandara không tiết lộ khi nào các bên sẽ đạt được thỏa thuận.
Những người biểu tình vẫn đang cố thủ tại tư dinh của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, khẳng định sẽ không rời khỏi đây cho đến khi hai nhà lãnh đạo này chính thức từ chức. Binh sỹ đã được triển khai quanh thành phố Colombo.
Tham mưu trưởng quân đội Sri Lanka Shavendra Silva kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng trong duy trì trật tự và luật pháp.
Ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình đã tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống và dinh thự của Thủ tướng nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống.
Thủ tướng Wickremesinghe tuyên bố sẽ rời khỏi nhiệm sở khi nào chính phủ mới được thành lập, trong khi Tổng thống Rajapaksa thông báo sẽ từ chức vào ngày 13/7 để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây./.
Theo TTXVN