Các đơn vị, doanh nghiệp phía Nam tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa

Cập nhật: 14-08-2024 | 06:47:27

Chiều 13-8, tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam để bàn về việc đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.


Người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu và chỉ chọn mua sản phẩm thực sự cần thiết.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm lại, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Tính chung trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13 - 13,5%/năm). Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 5% so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chiến lược Thương mại trong nước.

Tương tự, khảo sát về thị trường bán lẻ, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, người tiêu dùng đang chịu khó tiết kiệm trong chi tiêu. Cụ thể, có 68% người tiêu dùng Việt kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 - 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua; có đến 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng như trước kia. Bởi theo người dân, việc mua sắm ngẫu hứng dễ mất kiểm soát trong chi tiêu.

Còn theo một số hiệp hội ngành hàng, nhà bán lẻ lớn tại phía Nam, hiện nay, sức mua hàng hóa trong nước không cao, nguyên nhân là do người dân gặp khó khăn trong thu nhập nên cũng cắt giảm chi tiêu, mua sắm hàng hóa... Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ, ngành hàng đang kỳ vọng các cơ quan nhà nước sẽ có những giải pháp hiệu quả để vừa kích cầu tiêu dùng nội địa, vừa có thể chia sẻ khó khăn với người lao động trong những tháng cuối năm 2024. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc đối ngoại AEON Việt Nam cho biết, bước sang 2024, thị trường bán lẻ đã dần tăng trưởng trở lại nhưng sức mua không cao. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ khó khăn của năm 2023 và sau khi tìm hiểu sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau dịch COVID-19 của khách hàng, đơn vị đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh. 

Theo đó, đơn vị tổ chức chương trình giá tốt mỗi ngày, liên kết với các nhà sản xuất để có sản lượng và giá bán ổn định hơn. Song song đó, đơn vị bổ sung lượng hàng thuộc nhóm sản phẩm organic và sản phẩm liên quan sức khỏe để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của khách hàng; tiếp tục đẩy mạnh kết hợp với nhà sản xuất địa phương làm hàng nhãn riêng để có sản phẩm đa dạng, giá tốt... ngay tại địa phương, từ đó mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng...

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam của Central Retail Việt Nam cho biết, hiện nay người tiêu dùng đang giảm tần suất đi mua sắm tại siêu thị nhưng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm lại cao hơn. Nắm bắt xu hướng này, công ty đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng khi đi mua sắm. Mặt khác, đơn vị còn đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa các tỉnh, thành nhằm tiết kiệm các chi phí đầu vào cho sản phẩm...

Là đơn vị đồng hành cùng người lao động khó khăn, bà Huỳnh Bích Thủy, Giám đốc phòng giao dịch nhà cung cấp Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, hiện nay người dân có xu hướng mua sắm theo hướng thắt chặt chi tiêu và đa số tập trung mua sắm ở mặt hàng thực phẩm thiết yếu; hàng tươi sống... còn những mặt hàng phi thực phẩm (non-food) đang tiêu thụ chậm dần. Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng bình ổn giá về các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực có đông người lao động... Những chuyến hàng này chuyên phục vụ các mặt hàng thiết yếu, nhiều mặt hàng phi thực phẩm cũng được áp dụng giảm giá sau nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm để giữ chân khách hàng. 

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý Thương mại TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) hiện nay kéo dài 3 tháng, trong thời gian đó sẽ có những đợt cao điểm kích cầu. Người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể nên rất hưởng ứng chương trình.

“Tuần trước, Sở Công Thương vừa phát động chuỗi hoạt động bán hàng lưu động phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động, kéo dài từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9. Dự kiến, cuối tháng này sẽ có thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu. Ngành công thương và các doanh nghiệp tập trung giảm giá tối đa cho người tiêu dùng nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng để có giá tốt", ông Hùng khẳng định.

Tiếp thu các ý kiến chia sẻ, góp ý của doanh nghiệp phía Nam, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thị trường trong nước là 100 triệu dân, sức tiêu thụ rất lớn nên dư địa rất lớn, nếu không có những giải pháp kích cầu tiêu thụ trong nước sẽ không tận dụng được cơ hội phát triển. Vì vậy, sắp tới Vụ thị trường trong nước sẽ khẩn trương đánh giá tình hình thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng kịp thời, từ đó đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể để kích thích tiêu dùng xã hội.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=991
Quay lên trên