Ghi nhận cho thấy, hiện đang có nhiều áp lực trên thị trường tiền tệ khiến lãi suất huy động vốn kỳ hạn dài của các ngân hàng tăng. Thực tế, lãi suất vay kỳ hạn dài được nhiều ngân hàng đẩy lên trong thời gian gần đây nhằm tranh thủ hút vốn và cơ cấu lại nguồn vốn đầu vào. Tuy nhiên, nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô diễn biến thuận lợi thì từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định như hiện nay...
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG
Lãi suất huy động ngắn hạn giảm nhẹ
Tuần qua, một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhỏ có mặt bằng lãi suất huy động cao trong các tháng đầu năm đã công bố giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) giảm 0,2 - 0,3%/năm đối với lãi suất huy động tiết kiệm các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng xuống còn tương ứng là 7,3%/năm và 7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)… đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng khoảng 0,1 - 0,4 %/năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, với sự gia tăng liên tục của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân (đến tháng 5-2019 là 2,74%), cơ hội để giảm lãi suất huy động tại các NHTM là rất mong manh. Trong khi đó, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng hiện đã ở mức thấp nên các ngân hàng khó có cơ hội để giảm lãi suất đầu ra nếu lãi suất đầu vào không giảm nhiều.Tuy vậy, nhiều lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho rằng, nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô diễn biến thuận lợi thì từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định như hiện nay |
Tuy vậy, số các ngân hàng giảm lãi suất huy động là không nhiều và chủ yếu giảm ở các kỳ hạn ngắn, mức giảm cũng không lớn. Có thể nhận thấy, mặt bằng lãi suất huy động khá ổn định trong 2 tháng gần đây. Hiện lãi suất huy động của các ngân hàng phổ biến ở mức 0,5 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Tuy nhiên, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại các ngân hàng TMCP đang có độ giãn khá rộng. Cụ thể, lãi suất huy động phổ biến kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng trong khoảng 5,5 - 7,5%/năm, 9 tháng từ 5,5 - 7,8%/năm, 12 tháng từ 6,8 - 8%/năm; một số ngân hàng đang áp dụng lãi suất 8,6 - 8,7%/năm cho các kỳ hạn tiết kiệm trên 24 tháng. Với mức lãi suất huy động này, mặt bằng lãi suất cho vay các kỳ ngắn hạn cũng không có nhiều biến động.
Đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thông tin, với gói tín dụng 100 triệu USD vay từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), hiện ngân hàng này vẫn cho vay các doanh nghiệp (DN) thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm cho các hợp đồng vay ngắn hạn và 7,5 - 8%/năm với các kỳ dài hạn. Mức này được đa số các DN chấp nhận và đánh giá là phù hợp. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết hiện đơn vị đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay với hạn mức 2.000 tỷ đồng và 50 triệu USD dành cho các khách hàng DN có phối hợp với ABBank trong việc thu nộp ngân sách. Các DN được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng và cam kết cho vay mức lãi suất chỉ từ 7,08%/ năm đối với đồng VND và 3,0%/năm đối với đồng USD cố định trong suốt thời gian vay, áp dụng cho các khoản giải ngân ngắn hạn.
Nỗ lực giữ ổn định lãi suất vay
Căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, mới đây đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tới đây cơ quan này sẽ siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hơn nữa. Lý do là 2 tháng trở lại đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của khối các NHTM Nhà nước và khối các NHTM cổ phần lần lượt ở mức 31% và 31,5%, giảm so với mức 31,6% và 32,9% tại cuối tháng 2-2019. Mức giới hạn tối đa của chỉ tiêu này hiện tại là 40%, nhưng tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36, NHNN đưa ra lộ trình giảm về mức 30% trong vòng 2 hoặc 3 năm tới.
Trên cơ sở nói trên, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành ngân hàng, lãi suất với các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) vì thế sẽ khó giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ theo các chương trình ngắn hạn để thực hiện các mục tiêu 6 tháng còn lại năm 2019 của các ngân hàng, bởi áp lực huy động vốn kỳ hạn dài của các ngân hàng đang tăng lên.
Từ góc độ kinh doanh, giám đốc một ngân hàng TMCP lớn nhận định mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm. Hiện nay, việc cải thiện NIM bằng tiết giảm chi phí hoạt động đang ngày càng hạn chế; các NHTM cũng đang phải cạnh tranh mở rộng tín dụng. Khi doanh số cho vay lĩnh vực bất động sản chững lại thì các đơn vị cũng phải tăng cường khuyến mại, khai thác các gói vay lãi suất ưu đãi để tranh thủ thị trường 6 tháng c u ố i n ă m ; đ ồ n g thời duy trì hiệu suất sử dụng vốn. Chính vì vậy, việc tăng lãi suất cho vay, nhất là cho vay đối với DN sản xuất, kinh doanh có hạn mức thường xuyên sẽ khiến các ngân hàng khó giữ khách trong các năm tới.
Từ phía DN có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long, chia sẻ đến thời điểm này chưa thấy các NHTM thông báo tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, thời gian qua một số NHTM đã tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 13 - 24 tháng. Mức lãi suất này được lấy làm tham chiếu để tính lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn 3 - 5 năm của nhiều DN sản xuất xuất khẩu sau khi hết thời hạn khuyến mại. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại lãi suất vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh có thể vẫn hợp lý ở mức 9 - 10%/ năm. Nhưng DN đang lo là hết thời gian khuyến mãi này, DN sẽ phải trả lãi vay cao hơn.
THANH HỒNG