Các quy định mới về thủ tục tố tụng được áp dụng từ 1-7-2013

Cập nhật: 04-07-2013 | 00:00:00
Bắt đầu từ 1-7-2013, một loạt các văn bản quy định về thủ tục tố tụng trong cả lĩnh vực hình sự và dân sự bắt đầu có hiệu lực. Xin trích giới thiệu một số nội dung nổi bật được quy định.Các quy định mới trong tố tụng dân sự Thứ nhất, đối với bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực từ 8-4-2011 đến trước 1-1-2012 và đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn này mà người có thẩm quyền chưa kháng nghị, thì việc kháng nghị trên được thực hiện theo quy định tại Luật 2011. Vụ việc dân sự đã được tòa án thụ lý trước ngày 1-1-2012 mà từ ngày 1-1-2012 mới được giải quyết thì áp dụng theo các quy định của Luật 2011. Nội dung này do Nghị quyết 02/2012/NQ-HĐTP quy định. Thứ hai, các trường hợp có thể khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự: + Nếu có căn cứ cho rằng đó là tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án để bảo đảm thi hành án. + Nếu tài sản là tài sản chung, trong đó có phần của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. + Nếu quyền sử dụng đất của người phải thi hành án, thì yêu cầu xác định quyền sử dụng đất của người đó để bảo đảm thi hành án. + Nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung, trong đó có phần của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Nội dung mới nói trên được ghi nhận tại Nghị quyết 03/2012/ NQ-HĐTP. Thứ ba, các chứng cứ viện kiểm sát thu thập được bằng việc yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chỉ được tòa án chấp nhận nếu việc thu thập chứng cứ đó được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Quy định cũng là sự mở rộng thêm quyền thu thập chứng cứ cho viện kiểm sát, trước đây viện kiểm sát chỉ thu thập chứng cứ trong trường hợp cần thiết. Đó là các hướng dẫn do Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP quy định. Thứ tư, các trường hợp bị tòa án trả lại đơn khởi kiện trước đây vì hết thời hiệu khởi kiện, các đương sự quyền khởi kiện lại thì tòa án sẽ thụ lý và đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định. Trường hợp bản án, quyết định của tòa án trước đây đã bác yêu cầu hoặc đình chỉ vì hết thời hiệu khởi kiện, nếu đương sự kiện lại thì tòa án trả lại đơn và đương sự quyền làm đơn đề nghị xem xét vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nội dung trên đề cập trong Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP, điều kiện thụ lý đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất là phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã, có đất tranh chấp. Các quy định mới về hình phạt tù Theo Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, các điều kiện để phạm nhân được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, như sau: + Đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn đối với hình phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc 12 năm đối với tù chung thân; chấp hành tốt nội quy trại giam, tích cực học tập, lao động cải tạo; đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên theo quy định. + Phạm nhân chỉ được xét giảm 1 lần/năm, khoảng cách giữa 2 lần xét giảm ít nhất là 1 năm, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo có thể được xét giảm thêm nhưng không được quá 2 lần/năm. + Nếu phạm nhân đã được xét giảm mà hạn tù còn lại không đủ 1 năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt, nhưng bảo đảm chỉ được xét giảm 1 lần/năm. Thêm vào đó, các quy định cụ thể về thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cũng được ghi nhận tại Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT, cụ thể: + Phạm nhân bị mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS… đến mức có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp này được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục. + Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đồi với phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là đến khi con đủ 36 tháng tuổi. + Phạm nhân là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ: được tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là một năm. NGUYỆT MINH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=313
Quay lên trên