(tiếp theo)
2. Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146)
Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân.
Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là hành vi xâm phạm đến sự phát triển bình thường về tình dục của trẻ em, nên người thực hiện hành vi dâm ô đã xâm phạm nhân phẩm, sức khỏe, danh dự con người. Người phạm tội có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và nhất thiết phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng không giao cấu hoặc thực hiện hành vi đó được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi hoặc tội giao cấu với người dưới 16 tuổi.
Hành vi dâm ô thông thường không để lại hậu quả về tính mạng và sức khỏe, thương tích trên cơ thể nạn nhân. Cũng không thể dùng các xét nghiệm thông thường liên quan đến các dấu vết sau hành vi quan hệ tình dục khác hoặc giao cấu như dấu tinh trùng… để xác định. Bởi vậy hậu quả của hành vi dâm ô cơ bản nhất là sự phát triển về tâm lý, sinh lý của những người dưới 16 tuổi, độ tuổi có sự thay đổi và phát triển rất lớn về tâm sinh lý khi ở ngưỡng dậy thì.
Về phía nạn nhân: Người bị hại phải là người dưới 16 tuổi, có thể là nữ hoặc là nam, nhưng chủ yếu qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, cho thấy đối tượng bị hành vi phạm tội hướng đến đa phần là trẻ em nữ; nạn nhân có thể bị người phạm tội cưỡng ép buộc phải thực hiện hành vi dâm ô, nhưng cũng có thể đồng tình với người phạm tội để người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô hoặc tự nguyện thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội. Việc tự nguyện của nạn nhân không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bởi vì độ tuổi và nhận thức của nạn nhân rất non nớt, chưa được xem là trưởng thành để đủ chín chắn nhìn nhận được việc bản thân đang bị xâm hại. Bởi vậy việc xử lý hành vi dâm ô không xem xét về yếu tố tự nguyện của nạn nhân mà điều quan trọng nhất là độ tuổi của nạn nhân.
Về hình phạt: Có ba khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội: Khung 1, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác. Khung 2, phạt tù từ 3 năm đến 7 năm áp dụng đối với các trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%; tái phạm nguy hiểm. Khung 3, phạt tù từ 7 năm đến 12 năm đối với các trường hợp: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; làm nạn nhân tự sát. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. (còn tiếp)
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/UBND-NC ngày 30-11-2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.