Các trường nghề khó tuyển sinh: Nguyên nhân vì sao?

Cập nhật: 20-04-2011 | 00:00:00

Kỳ I: Tuyển sinh căng thẳng

Kỳ II: Những giải pháp đổi mới công tác đào tạo nghề

Trong chuyến về thăm và làm việc với các trường dạy nghề của tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Bình Dương là một địa phương điển hình về tốc độ phát triển kinh tế của các nước; vì vậy, bài toán về nguồn nhân lực Bình Dương phải tìm cho ra lời giải”. Theo Phó Thủ tướng, chiến lược về con người phục vụ phát triển kinh tế là một trong những vấn đề trọng tâm được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vì thế, Bình Dương phải rà soát lại công tác dạy nghề, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp (DN).

 

Thí sinh trường nghề dự thi tay nghề cấp tỉnh năm 2010

Được đánh giá là một trong những địa phương phát triển KCN hàng đầu trong cả nước, việc giải quyết việc làm, cung cấp lao động (LĐ) cho các DN luôn được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, với hệ thống giáo dục hiện có so với nhu cầu LĐ của các DN hàng năm thì khả năng cung ứng LĐ vẫn chưa đáp ứng được. Bình Dương vẫn xảy ra tình trạng DN thiếu LĐ có tay nghề; chất lượng, chuyên môn của LĐ vẫn còn hạn chế. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Bình Dương cần tuyển dụng khoảng 40.000 - 50.000 LĐ, trong đó phấn đấu 70% LĐ được qua đào tạo nghề. Bình Dương đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ, trong đó có chiến lược thu hút nguồn nhân lực hay còn gọi là “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”. Để đáp ứng nguồn nhân lực, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp thu hút LĐ từ các tỉnh, thành trong cả nước bằng hình thức liên kết LĐ. Bình Dương cũng đã chú trọng đầu tư phát triển hoạt động dạy nghề. Hệ thống dạy nghề sẽ tăng cường cơ hội học nghề cho mọi đối tượng có nhu cầu, từng bước phổ cập nghề, đào tạo được nguồn LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Một tồn tại hiện nay, xuất phát từ chất lượng LĐ chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng nên một số vị trí chủ chốt, quản lý và điều hành trong các DN FDI do người nước ngoài nắm giữ; bởi họ không tìm được LĐ trong nước có khả năng đáp ứng các yêu cầu. Những vị trí này có mức lương và các chế độ đãi ngộ cao hơn rất nhiều lần so với tổng thu nhập của nhiều LĐ Việt Nam cộng lại. Đối với LĐ phổ thông đã qua đào tạo, sau khi tuyển dụng, người sử dụng LĐ thường tổ chức đào tạo hoặc đào tạo lại tại DN thông qua hình thức học việc từ 1 - 3 tháng hoặc đưa sang nước ngoài (thường các công ty mẹ) tập huấn từ 6 - 12 tháng để người LĐ quen với việc vận hành máy móc thiết bị và rèn luyện tác phong công nghiệp. Điều khó khăn trong đào tạo nghề hiện nay là có rất nhiều giáo viên tốt nghiệp Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật không dám dạy môn thực hành; một số trường trung cấp (TC) còn thiếu thiết bị máy móc cho việc giảng dạy, nhất là các trường TC vừa được nâng lên từ trung tâm dạy nghề. Hậu quả của việc dạy “chay” là các em không đủ khả năng LĐ tại các DN khi ra trường. Vì thế, đổi mới lĩnh vực dạy nghề, tháo gỡ những khó khăn trong công tác này đang trở nên bức xúc đã được nhiều cơ sở, trường nghề đồng tình, hưởng ứng và đề xuất.

TƯỜNG VY

Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Đông Nam, TS. HUỲNH VĂN TRỌNG: Giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) của các trường ĐH, cao đẳng (CĐ)

Giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh TCCN của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho các trường TCCN được tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm. Hỗ trợ kinh phí cho các trường ngoài công lập trong các hoạt động chuyên môn như: Hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến, tư vấn tại các trường, tham gia hội thảo chuyên đề... Nâng chỉ tiêu liên kết đào tạo liên thông từ TC lên CĐ, ĐH theo số lượng học sinh tốt nghiệp thực tế tại trường, không nên áp dụng chỉ tiêu chung cho các trường. Chỉ đạo các trường THPT, THCS, trung tâm GDTX - KTHN hỗ trợ công tác tuyển sinh như: Cho phép treo băng-rôn, tư vấn tại trường, phát tờ rơi... Cho phép thành lập “tổ chức các trường ĐH, CĐ, TCCN ngoài công lập” trên địa bàn tỉnh.

Hiệu trưởng trường Trung cấp Tài chính Kế toán Bình Dương NGUYỄN TOÀN THẢO: Tạo điều kiện được vay vốn, giao đất và thuê đất Nhà nước

Trường đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng xã hội hóa cũng như nguồn vốn ưu đãi. Về đất xây dựng trường, đây là một trong những khó khăn lớn nhất của hầu hết các trường ngoài công lập, nếu đầu tư mua đất xây dựng trường vài ha thì cần số vốn rất lớn, bên cạnh đó nếu đất xây dựng ở các vùng xa thì lại không có người học, đất ở các trung tâm thì không tiếp cận được. Để tháo gỡ khó khăn, nhà trường đề xuất với chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất để được vay vốn ưu đãi đầu tư và được giao đất hoặc thuê đất của Nhà nước để xây dựng trường.

Thạc sĩ Kiều Giác Ngộ - Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Dĩ An: Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho trường nghề

    Theo Quyết định số 56/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương thì mức thu học phí đối các trường dạy nghề tăng lên rất nhiều. Ví dụ, trước đây các môn công nghệ kỹ thuật mức thu học phí là 80.000 đồng/tháng, nay là 270.000 đồng/tháng. Mức thu học phí này sẽ khó tuyển sinh cho các trường nghề trong năm tới, vì phần lớn các em học nghề gia đình rất khó khăn về kinh tế. Việc tăng học phí cũng cần có lộ trình, tránh đột biến quá cao. Cần có chế độ học phí đặc biệt ưu đãi cho những học sinh học nghề. Vấn đề quan trọng đó là nguồn nhân lực. Hiện nay, đội ngũ giáo viên dạy nghề vừa thiếu lại vừa yếu. Việc bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại giáo viên cần phải được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, có kế hoạch. Tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các trường dạy nghề nói chung và các trường trung cấp nghề vừa được nâng cấp từ TTDN là cần thiết.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Công nghệ và Nông lâm Nam bộ TRẦN ĐĂNG BỔNG: Tạo cơ hội cho các trường nghề tham gia các chương trình hợp tác quốc tế

Đề nghị tỉnh tháo gỡ giúp đỡ trường mở các doanh nghiệp sản xuất theo ngành nghề đào tạo trong nhà trường. Cho phép trường được giảng dạy văn hóa cho đối tượng học sinh - sinh viên đang theo học tại trường như các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, tỉnh tạo cơ hội cho các trường nghề được tiếp cận và tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về dạy nghề nghiên cứu biến đổi khí hậu, triển khai công nghệ mới trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghệ quản lý tiên tiến tại địa phương và các lĩnh vực khác để trường có kinh nghiệm hòa nhập và phát triển. Nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo nghề hiện nay rất thấp, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của người học nghề là rất khó khăn, vì đa số là con em nhà nghèo đi học nghề, trong khi sự tham gia đóng góp nguồn tài chính từ phía các DN cho đào tạo nghề còn ít ỏi. Đề nghị tỉnh can thiệp và có những giải pháp để DN cùng cung cấp nguồn tài chính cũng như cơ sở máy móc thiết bị cho công tác đào tạo nghề hiện nay.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X