Trong năm 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp, các ngành đã chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm, góp phần hoàn thành Kế hoạch CCHC Nhà nước của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.
Cán bộ niềm nở tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Ngay từ cuối năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6793/KH-UBND về công tác CCHC năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch CCHC năm 2020 của tỉnh tập trung vào các nội dung, như: Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. UBND tỉnh cũng đề ra 47 nhiệm vụ trọng tâm, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì tham mưu triển khai công tác CCHC năm 2020. Đến nay, cơ bản 47 nhiệm vụ trọng tâm đã hoàn thành.
Thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ theo tình hình thực tế. Về công khai TTHC, 100% TTHC sau khi công bố đều được cập nhật, đăng tải công khai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; đồng thời thực hiện niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Bộ phận “một cửa” các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 9/9 đơn vị hành chính cấp huyện, 91/91 đơn vị hành chính cấp xã đã công khai, minh bạch TTHC, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận tiện trong thực hiện TTHC theo đúng tinh thần thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong năm 2020, Sở Nội vụ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc chung tay xây dựng CCHC. Sở đã tham mưu góp phần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Trung tâm Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, sở đã tham mưu quan tâm chỉ đạo quyết liệt xây dựng các đề án, kế hoạch, chính sách để sắp xếp và tổ chức bộ máy hành chính các cấp và các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, hướng đến mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Sở Thông tin và Truyền thông kết hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở; công bố, cập nhật danh mục các dịch vụ hành chính công, điều kiện kinh doanh trên cổng thông tin điện tử, trang hành chính công của tỉnh và các trang thông tin cơ quan, đơn vị; nhất là trong giai đoạn cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sở đã đẩy mạnh TTHC thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử trong tương lai.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về CCHC, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực. Công bố kịp thời, công khai đầy đủ TTHC theo quy định; tiếp nhận và kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định TTHC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện làm việc ngày thứ bảy để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC nhằm giảm áp lực trong những ngày làm việc trong tuần. Một số địa phương có nhiều mô hình hay cần được các địa phương khác học tập và nhân rộng, như mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”, “Giải quyết hồ sơ - không hẹn”, “Chứng thực chữ ký tại nhà” đối với những trường hợp là người già đi lại khăn; “tiếp nhận và giải quyết TTHC ngoài giờ hành chính”.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền về TTHC cho người dân, doanh nghiệp biết thực hiện về sao y, chứng thực thì có thể thực hiện ở bất kỳ UBND cấp xã trên địa bàn hoặc các văn phòng công chức; tuyên truyền chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về việc hạn chế lạm dụng bản sao có chứng thực. UBND tỉnh sẽ có những giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt việc chống lạm dụng bản sao có chứng thực, các văn bản xác nhận không thuộc bộ TTHC cấp xã. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC và các dịch vụ hỗ trợ khác, như: Bưu chính hành chính công, dịch vụ hành chính công trên di động, Zalo hành chính công, chứng thực điện tử, cơ sở dữ liệu công dân… để đơn giản hóa việc thực hiện TTHC và giảm việc giải quyết các giấy tờ sự vụ, xác nhận, chứng thực chiếm hơn 80% hồ sơ tại cấp xã.
Đối với những khó khăn trong công tác tăng biên chế, định mức, cơ chế đặc thù đối với nhân sự tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp xã có đông dân cư phù hợp tình hình thực tế của tỉnh, nhất là đối với các địa phương có tính chất đô thị cao, dân cư đông, các địa phương có số lượng hồ sơ giải quyết cao... tỉnh sẽ có những kiến nghị phù hợp nhằm giúp các bộ phận “một cửa” cấp xã hoạt động hiệu quả.
HỒ VĂN