Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội tại Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10, các đại biểu đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao.
Khẩn trương sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã
Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều tiến bộ, là tín hiệu đáng mừng nhưng khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 cũng như thực hiện kế hoạch 5 năm là rất khó, đòi hỏi phải có quyết tâm cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, theo kế hoạch, việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ thực hiện từ ngày 1/7/2024. “Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ: cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức. Hai việc này đi liền với nhau, do đó cần rà soát, sắp xếp lại cán bộ, công chức, có biện pháp xử lý đối với những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đề cập đến một nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là tiếp tục sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã theo nghị quyết của Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến, có 35 huyện và trên 1.000 xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập.
Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có kế hoạch triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, qua báo cáo cho thấy, một số địa phương đang chậm tiến độ. Do đó, Chính phủ cần đôn đốc, giám sát, bảo đảm trong quý 3 phải hoàn thành thủ tục, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để bắt đầu thực hiện từ quý 4/2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải khẩn trương thực hiện vấn đề này, vì quý 1/2025 bắt đầu Đại hội Đảng bộ cấp xã, quý 2 là cấp huyện, nếu không sắp xếp xong sẽ ảnh hưởng đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy nhiệm kỳ tới.
Đối với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn. Theo Báo cáo của Chính phủ, các cơ chế chính sách với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được hoàn thiện đồng bộ, nhiều văn bản hiện nay đang chậm như: danh mục đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Nhà nước; định mức kinh tế kỹ thuật; khung giá với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực...
Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập để phục vụ cho công tác giám sát và thực hiện nghị quyết của Trung ương.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng tình việc cải cách tiền lương theo lộ trình, song đề nghị cần quan tâm, đảm bảo thu nhập phù hợp cho cán bộ cơ sở giữa các ngành, lĩnh vực, tương ứng với trách nhiệm. “Tránh chỗ thu nhập cao, chỗ thu nhập thấp mà nhiệm vụ thực hiện như nhau,” ông Y Thanh Hà Niê Kđăm lưu ý.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, không chỉ cần đổi mới phương pháp, cách làm, mà cần thiết kế các cơ chế đặc thù thiết thực, hiệu quả để đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố niềm tin của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, cần phòng ngừa những mầm mống phức tạp, nguy hại về an ninh trật tự; chú trọng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trọng tâm là tạo sinh kế, hỗ trợ đất đai, nhà ở, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2023
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm về lĩnh vực an ninh, trật tự. Cụ thể, vấn đề cháy nổ lâu nay vẫn diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội thể hiện còn sơ hở trong công tác phòng cháy.
“Sau mỗi vụ cháy lại rà soát lĩnh vực đó, như cháy karaoke thì hàng loạt chỉ thị rà soát, giờ cháy chung cư mini lại rà soát. Công tác phòng cháy thực hiện chưa tốt. Chung cư cao tầng khi xảy ra cháy thì hậu quả cũng khôn lường. Quốc hội khóa XIV đã có cuộc giám sát về vấn đề này, do đó đề nghị Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội kiểm tra lại nghị quyết, đề xuất Chính phủ tăng cường giải pháp đã đề ra trong nghị quyết,” bà Lê Thị Nga chỉ rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lưu ý tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra hàng ngày với số người bị lừa đảo rất lớn. Do đó, cần tăng cường quản lý mạng xã hội, cảnh báo để người dân biết, phòng ngừa. Bên cạnh đó, hành vi xâm hại và bắt cóc trẻ em gây bức xúc nên cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm minh. Bà Lê Thị Nga cũng phản ánh thực trạng sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử trộn chất ma túy trong thanh, thiếu niên và học sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy bày tỏ lo ngại, tính đến tháng 9 năm 2023, năng suất lao động chỉ tăng 4,8%, như vậy rất khó đạt được mục tiêu đề ra 5%-6%. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đánh giá, nếu chỉ tăng 1% năng suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP.
Nhấn mạnh nguồn nhân lực là động lực nội sinh và có tính chất cốt lõi của nền kinh tế, ông Lê Quang Huy cho rằng, đối với 3 đột phá chiến lược, hai yếu tố là thể chế và hạ tầng đã được triển khai tích cực và hiệu quả, nhưng đột phá về nguồn nhân lực chưa thực sự rõ nét mặc dù đã được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ cần nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể, gắn với các chương trình, dự án để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cân đối các nội dung trong báo cáo, đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, “gạn đục khơi trong,” làm nổi bật các kết quả đạt được để thấy được nỗ lực của các cơ quan trong năm 2023. Báo cáo cần nhấn mạnh công tác đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh, chủ động triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và sôi động các đoàn ra, đoàn vào, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thời gian tới, tinh thần là phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
Chính phủ cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, cấp bách trước mắt mà Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị đã chỉ rõ; đồng thời phải gắn với các mục tiêu dài hạn như cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế... các mục tiêu phát triển lâu dài./.
Theo TTXVN