Sống xanh, tiêu dùng xanh... đang dần trở thành xu thế của thời đại. Trong những năm qua, Bình Dương đã và đang chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, hướng đến xây dựng ngành nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chủ động, tích cực tham mưu tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ và được triển khai sâu rộng, từng bước hình thành các vùng, cơ sở sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, bước đầu cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người sản xuất. Cùng với đó, việc hình thành và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững thời gian qua được nhiều nông dân áp dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mô hình với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên giá thành của các sản phẩm sản xuất hữu cơ không thể cạnh tranh được với các nông sản cùng loại được sản xuất đại trà giá thành rẻ. Thế nên, dù có tâm huyết, đặt nhiều kỳ vọng vào một mô hình sản xuất xanh, sản phẩm sạch thì nhiều trang trại, hợp tác xã cũng đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Để nông nghiệp xanh trở nên bền vững, những cánh đồng “sạch” được nhân lên, sự vào cuộc của những chủ thể sản xuất là chưa đủ. Vấn đề được xem là rào cản hiện nay trong sản xuất nông nghiệp xanh là chi phí và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh cơ chế thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông dân cần tập trung nâng cao giá trị, hiệu quả của các mặt hàng mình sản xuất ra. Cùng với đó là thực hiện liên kết, liên doanh tạo ra một vòng khép kín từ sản xuất giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến và cung ứng ra thị trường. Để nông nghiệp xanh “bén rễ” thật sự trên vùng đất Bình Dương, cần có cái nhìn đồng nhất giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
PHƯƠNG ANH