Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Nghị quyết đơn giản hóa liên quan đến 36 TTHC thuộc 8 lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là nhóm thủ tục đăng ký thường trú, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu giấy và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Theo Nghị quyết 112, trong thời gian tới, người dân không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú mà được thay thế bằng mã số định danh
Quản lý con người bằng mã số định danh cá nhân
Nghị quyết 112 sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) và thay thế bằng hình thức quản lý con người bằng mã số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Ngoài ra, việc thay thế bản khai nhân khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay, các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Thông tư số 35/2014/ TT-BCA của Bộ Công an.
Cùng với việc thông qua phương án bỏ thủ tục sổ hộ khẩu, việc bỏ giấy chuyển hộ khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an, bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an cũng được thông qua. Với thủ tục đăng ký tạm trú tại công an cấp xã, Chính phủ đồng ý bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Theo đó, sẽ bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính phủ cũng đồng ý bãi bỏ các nhóm thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, cấp đổi sổ tạm trú tại công an cấp xã, cấp lại sổ tạm trú tại công an cấp xã…
Các nhóm TTHC về cấp, quản lý CMND quy định tại nhiều nghị định và thông tư cũng được Chính phủ đồng ý bãi bỏ. Như vậy, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và CMND, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan. Cùng với việc bãi bỏ sổ hộ khẩu và giấy CMND, với các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy CMND.
Cần hiểu đúng chủ trương Nghị quyết
Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho rằng nghị quyết ra đời thể hiện rõ một nền hành chính công văn minh, hiện đại và thân thiện với người dân, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Theo trung tướng Trần Văn Vệ, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 về đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an, đã có nhiều thông tin cho rằng bỏ hẳn sổ hộ khẩu và CMND, nhưng cách hiểu này là chưa đầy đủ. Tinh thần Nghị quyết 112 của Chính phủ thì việc xóa bỏ hộ khẩu, CMND phải hiểu đúng là chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin từ mã số định danh cá nhân, mã số ghi trong thẻ căn cước. Đây vẫn là loại giấy tờ tùy thân mà người dân phải mang theo khi thực hiện các giao dịch.
Việc triển khai phương án này, theo Bộ Công an cần phải có lộ trình, dự kiến đến năm 2019- 2020. Trong thời gian này, Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vì có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để dùng chung, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư. Khi thu thập xong Cơ sở dữ liệu dân cư, đưa vào ứng dụng rồi thì mới bỏ sổ hộ khẩu giấy. Khi đó sẽ dùng mã số định danh cá nhân để thực hiện các giao dịch. Bộ Công an yêu cầu công an các tỉnh, thành trong cả nước cần tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu đúng và thực hiện đúng theo tinh thần chủ trương của Chính phủ.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công: Nội dung bỏ sổ hộ khẩu và CMND thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ kiến tạo
Tôi cho rằng Nghị quyết 112 về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an có nội dung bỏ sổ hộ khẩu và CMND thể hiện sự “cam kết mạnh mẽ” của Chính phủ kiến tạo, hành động. Điều cần thiết để sự cam kết đó thành hành động thực tế thì các ngành có liên quan như công an, tư pháp và các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ thông tin với nhau nhằm phục vụ yêu cầu quản lý hiện đại, chặt chẽ thay vì sổ hộ khẩu, CMND như hiện nay. Khi đó sẽ giảm chi phí tuân thủ TTHC, giảm chi phí xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của việc xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh Bình Dương hiện đang triển khai.
Bà Bùi Nguyễn Hạnh Duyên, ngụ phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một: Dân phấn khởi, vui mừng
Nghị quyết 112 của Chính phủ sẽ phải sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ nhiều thông tư, thông tư liên tịch, và tất nhiên, nền hành chính công sẽ tinh gọn hơn vì đã bỏ đi được những thứ rối rắm, ràng buộc do sổ hộ khẩu gây ra. Người dân là người thụ hưởng sự thay đổi đó. Sự thụ hưởng đó chính là người dân sẽ giảm được tối đa các quy định bắt buộc liên quan đến hộ tịch. Tôi cho rằng, nghị quyết này đã tạo sự phấn khởi trong nhân dân, nhất là khi việc điện tử hóa càng cao thì càng hạn chế quan liêu và tiêu cực, tạo nền hành chính minh bạch.
HỒ VĂN