Trên tuyến sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 17 điểm sạt lở (gồm 6 điểm sạt lở cũ và 11 điểm sạt lở mới) với 174 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó có 73 hộ dân thuộc diện cần di dời. Hiện nay có 50 hộ dân đã di dời, 4 hộ đã xây bờ kè chống sạt lở, 19 hộ chưa di dời.
Một điểm sạt lở lớn trên sông Đồng Nai đoạn qua phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên. Ảnh: Q.NHIÊN
Lo mất đất, nhà vì sạt lở
Ở khu phố 2, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên hiện một số hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Bà Nguyễn Nên Việt cho biết, đất của nhà bà bị sạt lở nghiêm trọng, với diện tích sạt lở hơn 347m2 gồm 1 căn nhà cấp 4 và các tài sản khác. Đoạn sạt lở chưa được xây dựng bờ bao nên đất sạt lở ngày càng lớn. Với đà sạt lở mạnh như hiện nay, gia đình bà rất lo một ngày ngôi nhà sẽ bị sập.
Các hộ dân sống trong khu vực này đều thuộc diện di dời từ năm 2008. Hiện nay, một số hộ đã di dời đến nơi ở khác, một số hộ chưa đồng ý di dời vì cho rằng mức tiền hỗ trợ hơn 10 triệu đồng là quá ít.
Tại xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên có 5 điểm sạt lở ở ấp Thạnh Hiệp với chiều dài từ 50 - 70m, chiều sâu từ 2 - 3m tính từ nhánh sông Đồng Nai đến nhánh sông con. Còn tại phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên, phần đất của ông Nguyễn Văn Thành bị sạt lở từ mép sông vào đất của nhà ông khoảng 12m. “Cách đây khoảng 2 tháng, tình hình sạt lở ở khu vực này diễn ra rất nghiêm trọng. Đất dần trôi xuống sông, sạt lở ăn sâu vào đất liền rất nguy hiểm. Chỉ mong chính quyền sớm hỗ trợ xây dựng bờ kè kiên cố để người dân yên tâm sinh sống”, ông Tống Địch Thanh ở khu phố 2, phường Uyên Hưng chia sẻ.
Ghi nhận trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên cho thấy, đoạn sông Đồng Nai chảy qua hiện có 11 điểm sạt lở với chiều dài mỗi điểm từ 40 - 100m, chiều rộng sạt lở vào phía bờ từ 3 - 15m. Tình trạng sạt lở đã làm mất đất sản xuất của nhiều hộ dân các xã Lạc An, Thường Tân và Tân Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Gắng ở xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, đất của gia đình được dùng để sản xuất nhưng mỗi năm lại bị thu hẹp do bờ sông sạt lở, những ngày qua lại xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới.
Cần khắc phục sớm
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai là do dòng chảy và tình trạng bơm hút cát lậu. Năm 2005, UBND tỉnh đã cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai khu vực TX.Tân Uyên nên tình hình sạt lở bờ sông đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, tình hình khai thác cát lậu của một số người dân địa phương và từ tỉnh Đồng Nai còn xảy ra vào ban đêm nên bờ sông vẫn tiếp tục bị sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ ven sông.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết, khi xuất hiện một số điểm bị sạt lở, lãnh đạo thị xã cùng với một số phòng, ban của địa phương đã có mặt kịp thời để kiểm tra, đánh giá tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời. Để bảo vệ tài sản và tính mạng người dân, UBND thị xã đã có chủ trương đưa các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến định cư tại khu phố 3, phường Uyên Hưng nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa chịu di dời, có hộ còn mở cửa hàng, cửa hiệu ngay trên bờ sông để kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng.
“Thị xã đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 600m bờ bao dọc tuyến sông Đồng Nai với tổng kinh phí 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sạt lở tại khu phố 2, phường Uyên Hưng mới xảy ra nên không nằm trong vùng triển khai kế hoạch này. Vì thế, địa phương đã chủ động di dời các hộ dân trước, đồng thời lên kế hoạch để xin nguồn vốn tiếp tục triển khai xây dựng bờ bao ở khu vực này”, ông Tươi nói.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh mới đây đã đề nghị các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với UBND TX.Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên tăng cường công tác kiểm tra, đình chỉ và nghiêm cấm việc xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang sông Đồng Nai; đồng thời khẩn trương di dời dứt điểm các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. Ông Dũng cũng yêu cầu các ngành chức năng và địa phương khảo sát, cắm mốc ranh hành lang an toàn xả lũ đập thủy điện Trị An tương ứng các lưu lượng xả lũ nhằm phòng, chống, ứng phó với tình huống ngập lụt do xả lũ.
Tại buổi khảo sát công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và hệ thống bến thủy nội địa trên sông Đồng Nai vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã lưu ý, các ngành chức năng của tỉnh, TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên cần xử lý nghiêm, triệt để các bè nuôi cá khu vực ven sông và hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm cũng như sạt lở tiếp tục xảy ra ở sông Đồng Nai qua địa phận tỉnh Bình Dương. Các đơn vị và địa phương cần sớm triển khai thi công dự án bờ kè chống sạt lở trên sông Đồng Nai đoạn qua phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên đã được UBND tỉnh phê duyệt.
QUỲNH NHIÊN