Cần vay chủ động khi tham gia thị trường cho vay tiêu dùng

Cập nhật: 20-07-2018 | 09:21:01

Thách thức đối với cho vay tiêu dùng chính là kiến thức tài chính của đại bộ phận khách hàng vẫn chưa cao. Nhiều người vẫn có thói quen ngại đọc hợp đồng và tìm hiểu thông tin liên quan đến khoản vay của mình một cách đại khái, qua loa.

Thị trường cho vay tiêu dùng bùng nổ

Những năm gần đây, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó đặc biệt là lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Sự phát triển ấn tượng của khu vực tín dụng tiêu dùng không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho người dân có nhu cầu vay tiền mà còn giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng.

Đồng thời, tại Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 12-2017 dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chiếm khoảng 17% tổng dư nợ, tăng 32,5% so với tháng 1-2017 cao hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng khoảng 18% của tổng dư nợ toàn hệ thống trong cùng thời kỳ.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam: Xu hướng đi vay tiêu dùng ở Việt Nam trở nên phổ biến hơn với 46,8% dân số đang có các giao dịch vay mượn.

Với sự phát triển của thị trường, kiến thức về tài chính của người dân rất cần được cải thiện. Suốt những năm qua, họ vẫn chưa nắm đủ kiến thức tài chính cơ bản, những lưu ý khi tiến hành các thủ tục vay trả góp, những điều khoản khách hàng cần quan tâm trước, trong và sau khi ký hợp đồng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay cũng như bên cho vay…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận thức tài chính của người dân về hình thức cho vay cá nhân còn rất thấp, chỉ 51% số người được hỏi đã nghe và hiểu về cụm từ cho vay khách hàng cá nhân

Nói về cách quản lý chi tiêu và thiết lập tài chính cá nhân thì trong cuộc điều tra của OECD, Việt Nam xếp thứ 26 trong 28 nước, đứng trên Indonesia và Pakistan. 33% số người được khảo sát ở Việt Nam không lập ngân sách để quản lý thu nhập và chi tiêu (OECD, 2014). Thực trạng cho thấy hiểu biết tài chính của người dân Việt Nam nói chung đang ở mức thấp. 

Rõ ràng, sự phát triển của các công ty tài chính nêu trên, bên cạnh những khía cạnh tích cực, tác động hiệu quả tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung thì đại bộ phận người đi vay vẫn ghi nhận một số vấn đề tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp”, hiện nay, số vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng.

Điều đáng chú ý ở đây là đối tượng sử dụng các dịch vụ tín dụng tiêu dùng đa phần là người dân chưa có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm vay - trả tiêu dùng, do vậy, chỉ đến khi xảy ra các tranh chấp, người dân mới nhận biết được các thiếu sót và các hệ lụy phát sinh liên quan

Từ thực tế trên có thể thấy, bên cạnh việc làm sao tăng trưởng, tăng lợi nhuận của công ty hàng năm thì bên cho vay cần phải tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người vay trong các giao dịch tài chính tiêu dùng là vấn đề cần thiết nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính nói riêng và sự phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung.

Cần kiến thức để tránh rủi ro không đáng có

Ông Cao Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) khuyến nghị, người đi vay cần tạo thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cũng như các nghĩa vụ trả nợ để tránh nợ xấu phát sinh và để lại thông tin không tốt trong lịch sử tiếp cận vốn vay cũng như sau này khi có nhu cầu vay vốn.

Chỉ cần sơ suất dẫn đến phát sinh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, thì dù số tiền vay nhỏ và đã hoàn thành trả nợ, nhưng “vết đen” này 5 năm sau mới bị xóa, sẽ có ảnh hưởng xấu khi tiếp cận vay vốn tại các tổ chức tài chính khác.

Thực tế, có người chị bảo lãnh cho người em vay mua xe máy, nhưng người em quên đóng tiền. Sau đó, người chị gặp khó khăn khi tiếp cận các tổ chức tài chính để vay vốn mới vỡ lẽ là mình đã bị ghi vào “sổ đen” nợ xấu. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính khác đều có thể xem được lịch sử “tì vết” này. Có trường hợp khách hàng bị lợi dụng giả mạo giấy tờ, phải có sự can thiệp của tòa án thì thông tin “đen” trên CIC mới có thể được chỉnh sửa.

Vì vậy, người tiêu dùng cần chủ động có kiến thức về tài chính tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đã chia sẻ: “Người tiêu dùng cần phải trang bị cho bản thân và những người xung quanh kiến thức cơ bản về tài chính - ngân hàng. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng quản lý tài chính cá nhân và gia đình tốt hơn, bảo đảm khả năng chi trả khi sử dụng các sản phẩm vay tiêu dùng. Ngoài ra, những kiến thức này cũng giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về đặc tính sản phẩm, lãi suất và phí, điều kiện tín dụng khác để có thể đưa ra quyết định chính xác và phù hợp hơn”.

Hỏi: Tôi nghe nói vay tiền các công ty tài chính dễ hơn vay ở ngân hàng? Nếu muốn vay tôi cần phải chuẩn bị giấy tờ gì và có cần phải lưu ý những gì?

(THANH VÂN - Dĩ An, Bình Dương)

Chuyên gia tài chính cho biết: Thủ tục vay tiêu dùng với công ty tài chính thường “đã nhanh còn dễ”. Quy trình thẩm định duyệt hồ sơ cũng nhanh hơn và đơn giản hơn ngân hàng. Bạn chỉ cần cung cấp các giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu hoặc GPLX cùng các giấy tờ cơ bản khác là đã có thể đăng ký vay.

Trước khi đăng ký vay tiêu dùng, bạn cần chủ động tìm hiểu:

Sự khác nhau giữa vay tiêu dùng qua công ty tài chính, vay qua ngân hàng và vay “nóng” của tín dụng đen.

Các thương hiệu tài chính tiêu dùng có uy tín trên thị trường.

Hãy hỏi nhân viên tư vấn để được giải thích các điều khoản của hợp đồng vay. Bạn cần hiểu và thận trọng trước khi quyết định ký hợp đồng.

Bạn cần cân nhắc, bảo đảm thu nhập của bản thân đủ để thanh toán khoản trả góp định kỳ mỗi tháng trước khi đặt bút ký hợp đồng vay.

Sau khi đăng ký hợp đồng và được duyệt vay, bạn cần có trách nhiệm với khoản vay của chính mình:

Thanh toán đủ số tiền và đúng thời gian quy định trong hợp đồng.

Yêu cầu đơn vị cho vay cung cấp đầy đủ các giấy tờ có liên quan đến hợp đồng vay nhằm tránh các rủi ro tranh chấp về sau.

Giữ đầy đủ biên nhận khoản thanh toán hàng tháng.

Nếu bạn tuân thủ đúng và đủ các vấn đề lưu ý trên, bạn có thể tránh những khoản phí phạt phát sinh, hoặc các tranh chấp ngoài mong muốn. Đồng thời, đối với người đi vay có lịch sử thanh toán và điểm tín dụng tốt, khi có nhu cầu vay tiếp hoặc vay thêm sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn và thuận lợi hơn nhiều.

KIỀU ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=311
Quay lên trên