Vẫn có nhiều cơ hội
Theo ông Dương Hoàng Minh, thị trường EU gần đây trải qua 2 cuộc khủng hoảng. Năm 2009 là cuộc khủng hoảng chung của nền kinh tế thế giới, năm 2012 thì rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hiện Chính phủ các quốc gia EU đang quyết tâm vượt qua cuộc khủng hoảng này. Trong thời gian tới, các quốc gia này sẽ thực thi nhiều chính sách, cắt giảm chi tiêu, tìm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước EU sẽ giảm 0,4% trong năm 2012 và năm 2013 nền kinh tế của các nước EU cũng chỉ tăng trưởng nhẹ, trên 0% một chút, nghĩa là không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Cùng với dệt may, giày da là sản phẩm thế mạnh của DN Bình Dương để xuất khẩu sang thị trường EU. Trong ảnh: Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình
Khủng hoảng có làm nhu cầu thị trường sụt giảm? Ông Dương Hoàng Minh nhìn nhận, sự sụt giảm nhu cầu là điều không tránh khỏi. Mặc dù nền kinh tế của các quốc gia châu Âu gặp khó khăn, nhu cầu thị trường sụt giảm nhưng các DN XK của Việt Nam vẫn có thể tìm thấy những cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Trên thực tế, với xu hướng tiết kiệm chi tiêu do khủng hoảng nợ công, các quốc gia khu vực này sẽ giảm nhập khẩu các chủng loại hàng hóa cao cấp, xa xỉ… trong khi XK của Việt Nam sang EU chủ yếu là hàng hóa thiết yếu như nông sản, thủy hải sản, giày dép, dệt may. Vì vậy, việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu này từ Việt Nam vào các nước EU dự báo là sẽ không giảm… Do đó, các DN XK của Việt Nam cũng không nên quá lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa tại thị trường EU. Đặc biệt, đối với các DN XK Bình Dương phần lớn sản xuất các mặt hàng thiết yếu mà thị trường EU buộc phải nhập khẩu như giày da, may mặc, đồ gỗ…
Để minh chứng cho nhận định trên, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu cho biết, EU vẫn đang là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam sang thị trường này đạt 16,5 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang diễn ra nhưng KNXK của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng lên con số 20,4 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng giá trị KNXK của cả nước.
DN cần thận trọng
“ Năm 1990 Việt Nam bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với EU, năm 2012 ký hiệp định hợp tác đối tác toàn diện, đồng thời tuyên bố khởi động đàm pháp FTA (Hiệp định Thương mại tự do) song phương Việt Nam - EU và đã thực hiện phiên đàm phán sơ bộ đầu tiên… ”
(Nguồn: Bộ Công Thương)
Tuy “cánh cửa” thị trường EU vẫn rộng mở cho hàng hóa của DN Việt Nam xuất sang thị trường này, nhưng theo ông Dương Hoàng Minh, vấn đề mà các DN cần phải hết sức quan tâm là chất lượng hàng hóa XK. Bên cạnh đó, do phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ các quốc gia châu Âu cũng sẽ tính toán thiết lập các hàng rào kỹ thuật thương mại nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa. Vì thế, các DN Việt Nam cần phải lưu ý đến các điều kiện có thể dẫn tới nguy cơ đối mặt với việc áp thuế chống bán phá giá. Thêm vào đó, khi nền kinh tế EU rơi vào khó khăn, DN Việt Nam trong quá trình XK hàng hóa, ký kết các hợp đồng với những đối tác tại EU, nên cẩn trọng hơn trong công tác thanh toán bởi các đối tác nhập khẩu gặp khó khăn sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu nợ, trả chậm, tranh chấp hoặc chây ì…
Ngoài ra, một lưu ý nữa được ông Dương Hoàng Minh khuyến cáo tới các DN, tuy thị trường EU là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng nhưng cũng rất “khó tính”, yêu cầu cao về quy trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu. Các DN vì thế cần tuân thủ đúng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất hàng hóa khi XK sang thị trường này như điều kiện bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, không sử dụng lao động trẻ em, không hưởng trợ cấp từ Chính phủ và nguyên tắc minh bạch hóa môi trường cạnh tranh bình đẳng…
THÀNH SƠN