Hiện nay, người tiêu dùng đang phải đối mặt với những nguy cơ từ vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Những ngày gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, cũng là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động.
Xử lý nhiều vụ vi phạm
Ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2017, chi cục đã xử lý 42 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; số tiền xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm kê hàng giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng trước khi mang đi tiêu hủy. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Ghi nhận thực tếcủa phóng viên cho thấy, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn góc tập trung ở những nơi đông dân cư sinh sống, các khu công nghiệp có đông công nhân. Đánh vào tâm lý thích hàng giá rẻ của công nhân, những người tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, bán hàng không rõ nguồn gốc thường thực hiện chiêu trò quảng cáo rầm rộ hàng giá rẻ bất ngờ, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng. Tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, không khó để tìm thấy những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Chanel, Gucci, Zara với giá bán chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/mặt hàng; các mặt hàng mỹ phẩm cao cấp khác mang thương hiệu Lancome, M.A.C, Chanel, CK cũng dễ dàng tìm thấy ở những quầy sạp, bán với giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/ mặt hàng.
Chị Thu Trang, ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một cho hay, nhiều mặt hàng bán ở một số chợ trên địa bàn giá rất rẻ, hàng lại đẹp nên những ngày cuối tuần chị thường mua những mặt hàng này về sử dụng. Trong khi đó, khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhiều người bán hàng còn không biết, hoặc chỉ nói có mối quen nên lấy hàng trực tiếp từ Thái Lan.
Tại một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh, các mặt hàng nhựa gia dụng được nhiều người bán giới thiệu là hàng công ty đem ra thanh lý với giá ưu đãi. Chỉ cần chiếc loa thùng bật hết công suất, người bán có thể vô tư truyền tải và quảng cáo sản phẩm của mình “xả hàng tồn kho, đồng giá 10.000, mua 3 tặng 1...”, với chủ yếu là các sản phẩm kẹp tóc, bát đĩa, xô chậu. Điều đáng nói, hầu hết sản phẩm này đều là của các cơ sở sản xuất gia công, nhiều sản phẩm không nhãn mác, địa chỉ sản xuất được xếp thành từng chồng dài và cũng không ai dám chắc những sản phẩm bằng nhựa này có bảo đảm chất lượng hay không.
Chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng phản ánh, chị vừa mua 6 cốc nhựa giá 20.000 đồng tại một chợ trên địa bàn, khi rót nước nóng vào thì cốc có mùi nhựa rất khó chịu; mua rồi đành bỏ không, không dám dùng nữa. Còn chị Nguyễn Thanh Thủy, ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng chia sẻ, trong một lần tham quan mua sắm tại Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, khi được giới thiệu về giá cả cùng chương trình khuyến mãi kèm theo rất hấp dẫn, chị đã mua 1 gói bột giặt Aba. Nhưng khi mua về sử dụng thì bột giặt hầu như không tạo được bọt, sản phẩm còn bị đóng cục lại. Lúc đó, chị mới nhận ra mình đã mua phải hàng kém chất lượng.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở nông thôn, có phiên chợ có sản phẩm chưa đạt chất lượng (quần áo, nước mắm, bột giặt...), một số mặt hàng nhu yếu phẩm thì đã cận thời hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đến với phiên chợ vẫn còn tư tưởng bán theo dạng bán buôn, bán lẻ thuần túy, thậm chí là dịp để xả hàng lỗi mốt, hàng tồn. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp hưởng ứng các phiên chợ còn ít so với lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, dẫn đến số lượng hàng hóa, sản phẩm tham gia còn ít về số lượng, chất lượng, mẫu mã chưa phong phú, giá cá một số mặt hàng đôi khi còn cao. ..
Theo ông Tùng, nhằm bảo đảm ổn định thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm hàng hóa chất lượng, an toàn, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã lập kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Một số lĩnh vực, mặt hàng tập trung kiểm tra, xử lý là các sản phẩm gia súc - gia cầm, thuốc lá, rượu bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, các loại nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến hàng công nghiệp thực phẩm… Đồng thời, chi cục đã và đang tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.
Năm 2017, Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh đã phát hiện 11.139 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đã xử lý 6.970 vụ vi phạm. Tổng sốtiền thu nộp ngân sách là 636,704 tỷ đồng; trị giáhàng hóa tịch thu ước tính 20,558 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu, xử lý vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, thực phẩm, phụ kiện điện thoại, đồ chơi trẻ em, đồ dân dụng, chai gas mini…
Năm 2018, các thành viên BCĐ 389 tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 1237/KH-BCĐ389 ngày 11-12-2017 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia vềcao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018. BCĐ 389 tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động các tổ chức, cánhân kinh doanh, người tiêu dùng không tham gia vàtiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện kế hoạch, chuyên mục, chuyên đềgắn với nội dung cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’…
QUỲNH NHIÊN