Qua 70 năm (28.8.1945 - 28.8.2015) thành lập và trưởng thành, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Bình Dương đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, người có công (NCC), bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong đó công tác giảm nghèo, chăm lo cho đối tượng chính sách là những thành tựu nổi bật nhất.
Bà Huỳnh Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao quà cho NCC tại TX.Tân Uyên
Người nghèo ngày càng được quan tâm
Đưa chúng tôi vào thăm căn nhà mới, bà La Thị Lang, khu phố 3, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một nói, bà thuộc diện hộ nghèo (HN) có một người con bị bại liệt bẩm sinh. Dù đã dọn vào nhà mới từ tháng 1-2015, nhưng nhiều lúc bà cứ tưởng như nằm mơ, vì chưa bao giờ mình nghĩ sẽ được ở trong căn nhà đàng hoàng thế này. May nhờ có UBND phường Phú Lợi hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ 30 triệu đồng xây căn nhà. Nhờ vậy từ nay, gia đình bà sẽ cố gắng lao động, vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với sự thương yêu, đùm bọc của mọi người. Hộ gia đình bà Lang là một trong những hộ được nhận nhà đại đoàn kết theo mục tiêu “an cư lạc nghiệp” cho HN của tỉnh. Có nơi “an cư”, các HN có điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống. Theo đó, trong 3 năm (2012-2014), ngành đã tham mưu sửa chữa và xây tặng 973 căn nhà đại đoàn kết cho HN, với trên 26 tỷ đồng.
Không những được xây nhà, gần 80.000 lượt HN, hộ cận nghèo (HCN) còn được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền giải ngân hơn 21 tỷ đồng. Vấn đề chăm lo sức khỏe cho người nghèo cũng được chú trọng, gần 137.000 lượt người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ hơn 1.000 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng trả viện phí do bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận nhân tạo, với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Để “tiếp sức” cho con em HN, HCN đến trường, trong 3 năm qua, hơn 158.000 lượt học sinh con em của họ đã được miễn giảm học phí, hỗ trợ học phí với số tiền hơn 10,5 tỷ đồng. “Mẹ em mất khi em còn nhỏ, ba một mình làm đủ việc để chăm lo cho hai chị em ăn học, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. May mắn, em thuộc diện HN của phường nên được giảm học phí, được tặng cặp, sách vở đến trường. Trước sự quan tâm của mọi người, em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên giúp các bạn học sinh nghèo như mình”, em Nguyễn Thị Lan Anh, phường An Bình, TX.Dĩ An nói.
Chính vì vậy, Bình Dương không còn HN theo chuẩn nghèo của Trung ương. Đây là bước đột phá của Bình Dương trong việc thực hiện chăm lo cho HN.
Đối tượng chính sách “ấm lòng”
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng ngàn người con đất Bình Dương cũng như lực lượng các tỉnh đã đến tiếp viện cho kháng chiến và đã hy sinh một phần thân thể, sức khỏe cho cách mạng. Hòa bình lập lại, tri ân những NCC với cách mạng, Bình Dương chú trọng quan tâm, chăm lo bằng những việc làm thiết thực. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6- 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Bình Dương đã trích ngân sách và vận động với kinh phí hơn 600 tỷ đồng chi cho các hoạt động chăm sóc NCC với cách mạng; xây tặng 100 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 348 căn nhà tình nghĩa; giải quyết việc làm cho 4.700 hồ sơ cho NCC.
Hàng năm, Bình Dương đều tổ chức đi điều dưỡng cho 13.500 NCC trên địa bàn, ngoài ra còn tổ chức đưa NCC đi tham quan Hà Nội, Côn Đảo, Phú Quốc… Chi ngân sách hàng tháng cho 26.700 NCC, trợ cấp một lần cho hơn 11.500 lượt NCC, mua BHYT cho 30.000 NCC. Xúc động trước sự quan tâm, tri ân dành cho gia đình mình, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhương (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) nói, mẹ có chồng và con hy sinh trong kháng chiến. Là gia đình có công với cách mạng nên mẹ được xây tặng nhà tình nghĩa, được nhận tiền trợ cấp hàng tháng, nhận quà vào những dịp lễ, tết. Đặc biệt, mẹ còn được lãnh đạo huyện xuống thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ vui sống, giáo dục con cháu nên người.
Theo ông Phùng Chí Lập, Trưởng phòng NCC Sở LĐ- TB&XH, các đối tượng chính sách và gia đình đều phấn khởi và cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc của các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và gia đình, không chỉ riêng kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ mà cả những ngày lễ khác trong năm. Không ỷ lại sự quan tâm của mọi người dành cho gia đình mình, gia đình NCC đã vươn lên làm kinh tế, đến nay, 99,61% NCC trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của vùng dân cư nơi cư trú, trong đó có 1.234 hộ giàu, 2.413 hộ khá, 3.065 hộ có mức sống trung bình và 26 hộ đời sống còn gặp khó khăn.
THIÊN LÝ