Xuất phát từ mong muốn nâng cao trình độ, học lực của học sinh (HS), dạy thêm, học thêm (DTHT) xuất hiện và tồn tại để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bản chất của việc DTHT là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, ở một số nơi xuất hiện tình trạng DTHT tràn lan đã gây bức xúc đối với xã hội, khiến dư luận lên tiếng.
Ngay ở cấp tiểu học, bậc học mà việc DTHT bị phản đối nhiều nhất thì tình trạng đi học thêm đông không kém đàn anh, đàn chị. Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học khẳng định, nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh ở bậc học này rất cao, như một cách gửi con vì họ không có thời gian chăm sóc các em. Có một số cha mẹ cũng muốn con của mình phải đạt thành tích từ sớm, không muốn con thua kém bạn bè.
Ngoài lý do chủ quan từ phía giáo viên, HS và phụ huynh, thì còn có những lý do dẫn đến DTHT thuộc dạng bất khả kháng như chương trình học còn nặng, phương thức thi cử không sát chương trình học… Từ đó đã hình thành tâm lý không thể không học thêm.
Về tình trạng DTHT hiện nay, một số dư luận cho rằng, có HS yếu kém là phải có DTHT. Đây là một việc làm thiết thực, hiệu quả góp phần vào việc nâng cao chất lượng học tập. Tính tích cực này được thể hiện qua các lớp dạy thêm của đa số thầy cô giáo có năng lực chuyên môn, có lương tâm nghề nghiệp. Những giáo viên này đều có năng lực, yêu nghề. Họ dạy thêm để kiếm sống lương thiện nhưng cũng để thỏa mong muốn mang kiến thức đến cho HS. Lớp dạy thêm này chỉ tập trung toàn HS trung bình trở xuống, chủ yếu là bồi dưỡng cho các em cá biệt bị rỗng kiến thức cơ bản, cung cấp phương pháp học tập, giúp các em theo kịp chương trình với các bạn cùng lớp.
Thế nhưng, bên cạnh tính tích cực của việc DTHT là tính tiêu cực hiện đang bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Có một bộ phận giáo viên vì mục đích thu nhập đã có thái độ không đúng mực, thậm chí gây sức ép đối với HS phải học thêm. Đó là chưa nói đến số giáo viên dạy lơ là chiếu lệ trong chính khóa, lại rất nhiệt tình, tích cực tại các lớp ngoài giờ, gây hoang mang trong phụ huynh HS.
Những bức xúc về việc DTHT với những tiêu cực như một căn bệnh trầm kha, khó chữa dứt được. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT vừa ban hành chỉ thị “chấn chỉnh DTHT đối với giáo dục tiểu học”. Mong rằng chỉ thị này sớm được triển khai rộng rãi trong toàn xã hội và ngành giáo dục đẩy nhanh thực hiện và thực hiện một cách quyết liệt như thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ để bảo đảm tính khả thi của chỉ thị này.
N.THANH