Chàng sinh viên tình nguyện và sáng tạo

Cập nhật: 12-11-2021 | 08:28:28

Khi chúng tôi liên hệ, Trần Vũ Quốc Phong vừa kết thúc 1 ngày làm việc trong khu cách ly vào lúc 10 giờ đêm. Lúc đó, Phong vừa mới đi kiểm tra sinh hiệu cho bệnh nhân đang cách ly ở trong khu và sắp xếp các thùng nước suối để ngày mai bệnh nhân có thể lấy nước để uống dễ dàng. Nói là hết một ngày làm việc, nhưng chúng tôi biết chưa hẳn là thế, vì câu chuyện hôm đó cứ bị ngắt quãng bởi những công việc cần Phong hỗ trợ trong khu cách ly trong đêm muộn…

 Ở độ tuổi 20, Trần Vũ Quốc Phong luôn sẵn sàng xung kích tình nguyện

 Kỳ nghỉ hè đặc biệt

Trần Vũ Quốc Phong (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) hiện là sinh viên năm thứ 2 của trường Công nghệ Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Học xong lớp 9, Phong quyết định theo học tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore với chuyên ngành điện tử. Sau khi tốt nghiệp, đã có công ty mời làm việc, nhưng vì muốn học lên, Phong tiếp tục liên thông lên đại học để học nâng cao. Phong nói: “Sau khi học xong trung cấp, em thấy ngành học thật sự là đam mê của mình nên liên thông để lĩnh hội được nhiều kiến thức hơn”.

Mùa hè đến, quay về địa phương cũng là lúc dịch bệnh phức tạp. “Khi quê hương cần thì mình lên tiếng thôi”, Phong nói. Lần đầu, Phong phục vụ trong khu cách ly y tế tập trung tại trường THCS Nguyễn Trung Trực. Sau đó, Phong được chuyển qua phục vụ các khu cách ly khác nhau. Hiện tại, Phong vẫn đang miệt mài phục vụ trong khu cách ly dành cho F0 tại ký túc xá của trường Đại học Thủy Lợi. Công việc chính của Phong trong khu là nhập liệu, quản lý, báo cáo hồ sơ những người trong khu cách ly đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; điều phối, lấy mẫu cho những người được cách ly (nghi nhiễm, F0) trong khu; khử khuẩn, tẩy uế khu vực phong tỏa; dọn rác thải có nguy cơ chứa vi rút; hỗ trợ kê và phát thuốc cho bệnh nhân; sắp xếp để bệnh nhân thở oxy; kiểm tra sinh hiệu của bệnh nhân; đo các chỉ số sức khỏe hàng ngày; chuyển cấp cứu các ca tình trạng nguy kịch; phát cơm…

Ngày đầu tiên đến với khu cách ly trường tại THCS Nguyễn Trung Trực là một kỷ niệm chẳng bao giờ quên đối với Trần Vũ Quốc Phong. 7 giờ 30 phút, Phong có mặt tại đây, công việc nhiều, lực lượng thì mỏng. Và ngày hôm đó, tại khu xuất hiện một lúc 5 trường hợp F0. Phong phải làm những việc mà trong chương trình tập huấn chưa có, nhất là phần xử lý tình huống với F0. Ngày đầu tiên, Phong hứa sẽ điện thoại về để ba mẹ yên tâm. Tuy nhiên, tham gia hỗ trợ xử lý F0 hết gần cả ngày, người mệt lả nên Phong quên luôn điều đó và thậm chí muốn dừng lại. Nhưng Phong nghĩ: “Chắc đây là công việc khó nhất nơi này. Khó nhất mà mình đã vượt qua, vậy còn lý do gì nữa để bỏ cuộc?”.

Không ngừng sáng tạo

Bắt đầu từ sở thích làm đồ “handmade” từ những năm học cấp 2, dần dần Phong biến sở thích của mình trở thành đam mê. Phong sáng tạo mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong… khu cách ly. Điều khiến chúng tôi bất ngờ, dù ở trong điều kiện thiếu thốn như khu cách ly, Phong vẫn có thể tái chế, sáng tạo nên những thứ hay ho, bổ ích. Phong chia sẻ: “Khi học chuyên ngành điện tử, em được các thầy hướng dẫn làm các sản phẩm đồ án liên quan đến chuyên ngành. Những nguyên vật liệu mà các thầy dùng đều dùng đồ mới cả. Tuy nhiên, em cảm thấy có những vật liệu có thể tận dụng được từ đời sống hàng ngày như ve chai, đồ cũ. Từ đó, em trăn trở suy nghĩ tại sao lại không thể chế tạo sản phẩm mới nhưng chất liệu tận dụng từ đồ cũ? Điều đó cứ thôi thúc em tìm hiểu về làm đồ tái chế đến bây giờ…”.

Điều khiến Phong rất vui đó là dù ở trong khu cách ly, để có được những sản phẩm tái chế, Phong được các bác sĩ, điều dưỡng, các tình nguyện viên, dân quân ở ngoài hỗ trợ phần nguyên liệu, dụng cụ nên Phong tha hồ sáng tạo. Những sản phẩm tái chế của Phong đã từng làm có thể kể đến như: Máy phun cồn tự động từ hộp nhựa, loa nghe nhạc bằng ống nước PVC, gương treo tường từ lốp xe và xích xe máy, máy phun tạo độ ẩm từ ống nước PVC, móc khóa từ tấm pin năng lượng mặt trời, đèn ngủ cảm ứng từ ống nước và tấm nhựa quảng cáo, đồ chơi luyện kiên nhẫn từ vật dùng là tấm fomex và móc phơi đồ…

Có lần, thấy việc mặc bộ đồ bảo hộ là khá vất vả, khi cởi đồ bảo hộ ra để được an toàn cần phải có ít nhất 1 hoặc 2 người hỗ trợ, trong đó phần xịt khử khuẩn rất quan trọng, nên Phong nghĩ mãi về công việc này. Có thời gian rảnh là Phong lên mạng tìm tòi và quyết tâm sẽ tự làm một phương tiện nào đó để phục vụ công đoạn khó nhọc này. Ý tưởng về buồng khử khuẩn đã hình thành trong đầu. Phong đặt hàng qua mạng các dụng cụ cần thiết để chuyển về nhà. Hết thời gian 21 ngày tại khu cách ly đầu tiên, Phong về nhà nghiên cứu. 7 ngày tự cách ly tại nhà là thời gian “vàng” để Phong thực hiện ý tưởng của mình. Đúng như dự tính, chiếc buồng khử khuẩn “made by Phong” ra đời trong khoảng thời gian đó. Mặc dù chưa đạt như ý muốn, nhưng cơ chế tự vận hành để các tình nguyện viên có thể tự thay đồ bảo hộ khá ổn. Sau đó, thiết bị buồng khử khuẩn được giao lại cho phường Lái Thiêu, TP.Thuận An thử nghiệm…

Ròng rã 5 tháng trời tình nguyện tham gia phòng, chống Covid-19, đến giờ Phong vẫn chưa biết ngày nào sẽ rời khu cách ly. Phong bảo: “Em từng nói với ba em cuối tháng này con về, nhưng mà nói từ hồi tháng 7! Hiện tại, trường em chưa tổ chức cho sinh viên đi học trực tiếp trở lại nên em vừa hỗ trợ phòng, chống dịch và vừa học trực tuyến ở trong khu cách ly. Khi nào trường cho đi học lại, lúc đó em về…”.

 Ngày đầu tiên đến với khu cách ly tại trường THCS Nguyễn Trung Trực là một kỷ niệm chẳng bao giờ quên đối với Trần Vũ Quốc Phong. 7 giờ 30 phút, Phong có mặt tại đây, công việc nhiều, lực lượng thì mỏng. Và ngày hôm đó, tại khu xuất hiện một lúc 5 trường hợp F0. Phong phải làm những việc mà trong chương trình tập huấn chưa có, nhất là phần xử lý tình huống với F0. Ngày đầu tiên, Phong hứa sẽ điện thoại về để ba mẹ yên tâm. Tuy nhiên, tham gia hỗ trợ xử lý F0 hết gần cả ngày, người mệt lả nên Phong quên luôn điều đó và thậm chí muốn dừng lại. Nhưng Phong nghĩ: “Chắc đây là công việc khó nhất nơi này. Khó nhất mà mình đã vượt qua, vậy còn lý do gì nữa để bỏ cuộc?”.

 GIA PHÚC - T.NGUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=798
Quay lên trên