Khó khăn kinh tế, bất ổn chính trị càng khiến các quốc gia phát triển đẩy mạnh mũi nhọn công nghệ quốc phòng, một mặt củng cố địa vị quốc gia, một mặt để tranh thủ khoản lợi béo bở từ những hợp đồng mua bán vũ khí. Cuộc chạy đua vì thế ngày càng gay cấn.
Ông Harry Reid, Mỹ đưa ra những lý lẽ ủng hộ tăng khoản chi cho quốc phòng.Nga “đáp trả”
Ở vị trí quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai (sau Mỹ), Nga liên tục củng cố năng lực quốc phòng. Động thái mới nhất ngày 1-12, Nga đưa Lực lượng phòng thủ không gian - vũ trụ vào chế độ trực chiến, cho phép quân đội Nga kiểm soát toàn bộ khu vực không phận châu Âu và Bắc cực.
Cuối tháng trước, Lực lượng phòng thủ không gian Nga cho biết trạm radar ở Kaliningrad của Nga sẵn sàng giám sát tên lửa được phóng từ mọi địa điểm trên lục địa châu Âu. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang chỉ còn chờ lãnh đạo nước này chỉ thị triển khai tổ hợp tên lửa Iskander ở Kaliningrad. Đây là lời đáp trả cứng rắn trước mối đe dọa Mỹ và NATO triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu mà không tính đến lập trường và lợi ích của Nga.
Hiện Nga đã có bước tiến đáng kể vào một trong những thị trường truyền thống của Mỹ là khu vực Mỹ Latinh. Nga đã mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí, ước tính tới 80 nước trên thế giới và đóng góp vào ngân sách mỗi năm khoảng 9-10 tỷ USD (chiếm 13-17% thị trường mua bán vũ khí thế giới). Năm 2010 cường quốc này đã bán 8,5 tỷ USD vũ khí và sẽ tăng giá trị các hợp đồng vũ khí lên mức 10 tỷ USD trong năm 2011.
Mũi nhọn - gánh nặng của Mỹ
Dù nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, Thượng viện Mỹ ngày 2-12 đã thông qua dự luật quốc phòng (93 phiếu thuận, 7 phiếu chống) trị giá 662 tỷ USD (ít hơn 27 tỷ USD so với đề nghị của Tổng thống Obama). Dự luật này sẽ cung cấp tiền cho đội ngũ quân nhân, các hệ thống vũ khí, chương trình quốc phòng của Bộ Năng lượng và hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan trong tài khóa hiện nay.
Mỹ đang cung cấp tới 75% kinh phí hoạt động của NATO. Tổng chi phí quốc phòng của 26 nước thành viên Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), gồm tất cả các quốc gia thuộc EU trừ Đan Mạch, trong năm 2010 giảm 7% còn 194 tỷ EUR và dự đoán có thể sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Ngân sách chi cho quốc phòng trong năm 2010 của các nước này tương đương 1,6% tổng GDP và chỉ bằng 2/5 chi phí quân sự của Mỹ.
Giữa tuần này, trong phiên họp tại Brussels (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc EU đã nhất trí kế hoạch hợp tác tăng cường năng lực quốc phòng trong khu vực. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm làm chậm sự suy yếu về khả năng quốc phòng của châu Âu khi thiếu sự giúp đỡ của Mỹ, trong bối cảnh Washington đang tăng cường tập trung vào khu vực Thái Bình Dương.
Tiền vào túi ai?
Cuộc chạy đua vũ trang đang được các nước lớn tập trung đẩy mạnh và mỗi cuộc chiến trở thành cơ hội để những nước này bán được vũ khí. Và nạn nhân trực tiếp chính là người dân những nước “được” chọn là mục tiêu để những nước lớn này “bảo vệ”. Trong lời tuyên bố, lãnh đạo khối đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Harry Reid cho rằng quyết định thông qua dự luật quốc phòng trị giá 662 tỷ USD là nhằm bảo vệ nước Mỹ trước mối lo ngại từ Iran.
Hơn một năm nay, các quốc gia khu vực vùng Vịnh Persic đã đổ xô mua vũ khí chuẩn bị cuộc chiến do Mỹ và đồng minh hăm dọa. Saudi Arabia đã dành 60 tỷ USD để mua vũ khí từ Mỹ. Mỹ còn lôi kéo được thêm hai đồng minh thân cận là Oman và Kuwait vào “cuộc chơi” vũ khí. Chưa hết, những nước tiếp theo phải sốt ruột là Qatar, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
Căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh với Syria thời gian qua đã kéo Nga về phía Syria. Ngày 2-12, Nga đã cung cấp cho Syria tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion với tên lửa có cánh Yakhont trong khuôn khổ hợp đồng mua bán vũ khí năm 2007 trị giá 300 triệu USD. Trường hợp tương tự khi Italia, Pháp, Malta là những quốc gia cung cấp phần lớn vũ khí cho Libya.
Các tập đoàn sản xuất vũ khí có doanh thu cao
1. Boeing (Mỹ): 28,05 tỷ USD/năm.
2. Northrop Grunmman (Mỹ): 27,59 tỷ USD/năm.
3. Lockheed Martin (Mỹ): 26,46 tỷ USD/năm.
4. BAE Systems (Anh): 23,23 tỷ USD/năm.
5. Raytheon (Mỹ): 19,8 tỷ USD/năm.
6. General Dynamics (Mỹ): 16,570 tỷ USD/năm.
7. Finmeccanica (Italia): 9,8 tỷ USD/năm.
8. EADS (châu Âu): 9,58 tỷ USD/năm.
9. L-3 Communications (Mỹ): 8,97 tỷ USD/năm.
10. Thales (Pháp): 8,94 tỷ USD/năm.
Theo SGGP