Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa qua, Bình Dương đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chọn cơ sở hạ tầng, với 59,1% doanh nghiệp được tham gia khảo sát đã chọn Bình Dương. Kết quả này sẽ góp phần cho tỉnh thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đến đầu tư trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế của một tỉnh có sức thu hút đầu tư mạnh trong cả nước.
Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ
Thời gian qua, Bình Dương đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng các khu công nghiệp; coi đây là nhiệm vụ, mục đích và là nền tảng để thu hút đầu tư, phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đến nay, về hạ tầng khu - cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích hơn 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 69,5% và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707,8 ha, tỷ lệ cho thuê đạt khoảng 61,5%. Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương sẽ hình thành 34 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trong thời gian tới.
Về hạ tầng giao thông đường bộ, các tuyến giao thông quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh như các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn… đã được tỉnh quan tâm đầu tư, mở rộng. Các công trình này đã và đang tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đối với vận tải hành khách công cộng, hiện toàn tỉnh có 407 điểm dừng xe buýt có kẻ sơn (trong đó có 64 nhà chờ xe buýt), bình quân 1,8km có một điểm dừng xe buýt; có khoảng 140 phương tiện xe buýt đang hoạt động với tổng sức chứa 6.300 chỗ, trong đó có 15 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Tỉnh cũng đang triển khai nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến xe buýt nhanh Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên.
Những năm qua, Bình Dương đã nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, coi đây là nền tảng để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn rộng, thoáng, dễ dàng, thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa. Ảnh: XUÂN THI
Về hạ tầng viễn thông, hạ tầng thông tin di động cũng được Bình Dương đầu tư phát triển mạnh với gần 2.000 trạm thu phát sóng; mạng cáp quang được trang bị đến hầu hết các khu dân cư, đô thị và trung tâm các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong khi đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng cấp, mở rộng và đã kết nối 173 điểm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Về dịch vụ logistics, Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, năng động và có tiềm lực kinh tế của vùng, là nơi tiếp cận công nghệ hiện đại và nguồn vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Do có vị trí địa lý thuận lợi, lại tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh nên tỉnh Bình Dương có nhiều thuận lợi trong việc liên kết, hợp tác với các tỉnh khu vực phía Nam cũng như các nước trên thế giới qua các cửa ngõ quan trọng trong vùng như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành (trong tương lai), cảng biển Cái Mép, Cát Lái và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây nguyên. Có thể nói, dịch vụ logistics tại Bình Dương rất đa dạng và đang phát triển mạnh, từ vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường sông, đường sắt, giao nhận hàng hóa, lưu kho, lưu bãi đến phân phối hàng hóa đến tay người sản xuất/tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cảng cạn (ICD) đang hoạt động là ICD Sóng Thần và Cụm cảng - Trung tâm Logistics Dĩ An. Đây là các cơ sở có hạ tầng hoàn chỉnh, cung cấp 4 dịch vụ quan trọng gồm xếp dỡ, bảo quản container, lưu kho bãi, vận chuyển container và hải quan. Sự phát triển mạnh mẽ và đột phá cơ sở hạ tầng của tỉnh là nền tảng để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng
Chỉ số cơ sở hạ tầng trong PCI được xây dựng dựa trên kết quả điều tra cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng cơ sở hạ tầng tại các địa phương và những dữ liệu thống kê đã được công bố, gồm 4 nhóm chỉ tiêu: Khu công nghiệp, đường giao thông, các dịch vụ năng lượng - điện thoại, dịch vụ internet. Trong PCI năm 2016, có đến 59,1% doanh nghiệp khi được tham gia khảo sát đã chọn Bình Dương là địa phương có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt nhất trong cả nước, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp.
Đánh giá về hạ tầng cơ sở của Bình Dương, lãnh đạo Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam cho biết, Bình Dương là tỉnh có môi trường đầu tư tốt; hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương luôn tăng mạnh trong thời gian qua. Trong thời gian tới, sẽ còn có nhiều doanh nghiệp Ðài Loan sang Việt Nam đầu tư, trong đó Bình Dương là địa điểm được ưu tiên hơn cả. Ông Douglas Tong Hsu, Chủ tịch Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) chia sẻ, sau khi tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Việt Nam, tập đoàn đã quyết định chọn Bình Dương là điểm đầu tư và xây dựng nhà máy dệt nhuộm, hóa sợi tại Khu công nghiệp - Đô thị Bàu Bàng. Bình Dương là tỉnh phát triển nhanh và mạnh về công nghiệp, hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ nên tập đoàn rất hài lòng và yên tâm khi đầu tư tại đây.
Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, tỉnh tiếp tục đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bàu Bàng để tạo sự kết nối với các đô thị phía Bắc của tỉnh và sớm đưa dự án tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động; cùng với đó nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong từng đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
PHƯƠNG LÊ