Chỉ số SIPAS: Thách thức và kỳ vọng

Cập nhật: 30-11-2017 | 05:42:49

Chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công (SIPAS) ở cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện cho thấy một số lĩnh vực đạt sự hài lòng cao của người dân, tổ chức, nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực chỉ đạt mức hài lòng ở mức trung bình và thấp. Điều này cho thấy các cơ quan hành chính Nhà nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mức hài lòng của người dân và tổ chức...

 Việc tư vấn TTHC miễn phí tại TTHCC tạo sự hài lòng cho người dân

 Những con số biết nói

Sau khi triển khai thí điểm 4 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tại 4 sở và đánh giá rút kinh nghiệm, năm 2016, Trung tâm Hành chính công (TTHCC) đã triển khai mở rộng việc đo lường sự hài lòng về dịch vụ hành chính công cấp tỉnh ở 12 dịch vụ hành chính công cấp tỉnh thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của 13 sở ban ngành cấp tỉnh: Đổi giấy phép lái xe (Sở Giao thông - Vận tải), cấp phiếu lý lịch tư pháp (Sở Tư pháp), giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo), nội vụ (Sở Nội vụ), đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), an toàn vệ sinh thực phẩm, dược, mỹ phẩm (Sở Y tế), quảng cáo (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng), thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại (Sở Công thương), đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường), cấp, cấp lại giấy phép lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore). Đồng thời thí điểm triển khai ở UBND cấp huyện đối với 2 nhóm dịch vụ hành chính công: Đất đai (ở 9 UBND huyện, thị, thành phố) và đăng ký kinh doanh (ở 4 UBND thị xã và TP.Thủ Dầu Một). Đây là 2 lĩnh vực “nóng” và phát sinh nhiều hồ sơ ở cấp huyện.

Theo kết quả khảo sát được tổng hợp từ phần mềm, các dịch vụ hành chính công cấp tỉnh thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của 13 sở, ban ngành cấp tỉnh chia thành 3 nhóm: Khá tốt, trung bình và thấp. Nhóm 3 lĩnh vực dịch vụ công có tỷ lệ hài lòng khá tốt bao gồm: Cấp đổi giấy phép lái xe (67,8%), cấp lý lịch tư pháp (69%), nội vụ (83%). Nhóm 7 lĩnh vực dịch vụ công có tỷ lệ hài lòng ở mức trung bình bao gồm: Đăng ký kinh doanh (52%), đất đai (53%), dược, mỹ phẩm (60%), quảng cáo (60%), thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại (61,5%), cấp, cấp lại giấy phép lao động (61,6%, trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đạt 62,1%, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương đạt 64,2% và Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 56,7%) và an toàn vệ sinh thực phẩm (64%). Nhóm 2 dịch công đạt tỷ lệ hài lòng thấp gồm: Giáo dục (48%), hoạt động xây dựng (36%).

Chi tiết theo 5 tiêu chí khảo sát, còn gọi là chỉ số chất lượng của 5 yếu tố khảo sát của 14 lĩnh vực dịch vụ hành chính công cho thấy nhiều vấn đề mà người dân kỳ vọng, mong muốn nhưng chưa được đáp ứng trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC của một số sở, ban ngành cấp tỉnh. Điều này cho thấy các cơ quan hành chính Nhà nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mức hài lòng của người dân và tổ chức từ 80% trở lên vào năm 2020 theo mục tiêu chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2020 của Chính phủ và của tỉnh Bình Dương.

Kết quả đo lường sự hài lòng cấp huyện

Kết quả đo lường sự hài lòng về dịch vụ công ở UBND cấp huyện của dịch vụ hành chính công lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện có kết quả SIPAS trung bình của 9 huyện, thị, thành phố là 74%, đạt mức khá. Có 6 địa phương có chỉ số SIPAS khá tốt bao gồm: Dầu Tiếng (92%), Bắc Tân Uyên (88%), Thuận An (86,2%), Tân Uyên (85,6%), Phú Giáo (81,2%) và Thủ Dầu Một (71,2%). Có 2 địa phương chỉ đạt mức hài lòng trung bình và 1 địa phương ở mức thấp: Bến Cát (64,2%), Dĩ An (57,2%) và Bàu Bàng (46,4%). Trong 5 tiêu chí thành phần được khảo sát thì tiêu chí về sự phục vụ của cán bộ công chức cũng đạt mức cao nhất (76,2%), Dầu Tiếng đạt tỷ lệ hài lòng cao nhất ở tiêu chí này (99,2%) và Bàu Bàng có tỷ lệ hài lòng thấp nhất trong 9 huyện, thị, thành phố được khảo sát (52,4%). Tiêu chí về tiếp cận thông tin công khai TTHC của lĩnh vực đất đai có tỷ lệ hài lòng thấp nhất trong 5 tiêu chí khảo sát (57,8%) và thấp nhất là ở Bàu Bàng (34,8). 3 tiêu chí còn lại có tỷ lệ trên dưới 60%. Riêng Bàu Bàng có tỷ lệ hài lòng của 4/5 tiêu chí đều dưới trung bình, duy nhất tỷ lệ hài lòng về sự phục vụ của cán bộ công chức đạt 52,4%.

Kết quả SIPAS về dịch vụ hành chính công đăng ký kinh doanh ở UBND 5 địa phương đô thị của tỉnh đạt chỉ số trung bình là 80,9% (đạt mục tiêu của Chính phủ là trên 80% vào năm 2020). Về chỉ số hài lòng về lĩnh vực đăng ký kinh doanh tại các địa phương chi tiết như sau: Thủ Dầu Một (97%), Thuận An (93%), Tân Uyên (85,5%), Dĩ An và Bến Cát (đều đạt tỷ lệ hài lòng là 64,5%). Kết quả SIPAS TTHC đăng ký kinh doanh chia thành 3 nhóm: nhóm hài lòng cao (Thủ Dầu Một 97% và Thuận An 93%), nhóm hài lòng tốt (Tân Uyên 85,5%), nhóm hài lòng trung bình (Dĩ An và Bến Cát đều 64,5%).

Về chi tiết các chỉ số chất lượng của các tiêu chí của dịch vụ hành chính công đăng ký kinh doanh cũng cho thấy sự không đồng đều giữa các địa phương và giữa các tiêu chí. Tiêu chí về sự phục vụ của cán bộ công chức đạt tỷ lệ hài lòng cao nhất (81,8%), có địa phương đạt mức rất cao ở tiêu chí này như Thủ Dầu Một (95,5%), nhưng Dĩ An chỉ đạt 68% tỷ lệ hài lòng về sự phục vụ của cán bộ công chức. Tiêu chí về dịch vụ tiện ích hỗ trợ và kết quả giải quyết TTHC có tỷ lệ thấp lần lượt là 63% và 66,1%. Nhưng Thuận An có tỷ lệ hài lòng ở tiêu chí này rất cao, lần lượt là 81,9% và 92%. Trong khi đó, Tân Uyên chỉ đạt 59,6% và 37,5%. Tiêu chí về công khai minh bạch và tiêu chí về quy trình TTHC đạt mức khá, lần lượt là 71% và 68,7%. Trong đó, Thủ Dầu Một lại đạt mức cao ở cả 2 tiêu chí này, lần lượt là 86,5% và 88,5%.

Kết quả tổng hợp của 2 dịch vụ hành chính công đất đai và đăng ký kinh doanh theo từng huyện, thị, thành phố cho thấy tỷ lệ hài lòng chung ở cấp huyện là 75,6%, đạt mức khá. Nhóm các địa phương đô thị, thực hiện cả 2 TTHC đất đai và đăng ký kinh doanh thì Thuận An có kết quả hài lòng chung cao nhất (88,1%), xếp thứ 2 là Tân Uyên (85,6%), thứ 3 là Thủ Dầu Một (78,6%), kế đến là Bến Cát (64,3%) và thấp nhất là Dĩ An (59,3%). Đối với 4 địa phương cấp huyện thì 3 địa phương đạt tỷ lệ hài lòng mức tốt (trên 80%) bao gồm: Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên và Phú Giáo. Kết quả khảo sát SIPAS 2016, Bàu Bàng xếp cuối về tỷ lệ hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công.

Phấn đấu đạt sự hài lòng cao

Qua thí điểm và triển khai mở rộng ở cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện, kết quả cho thấy một số lĩnh vực có sự tiến bộ, đạt sự hài lòng khá tốt của người dân, tổ chức như: Lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe, nội vụ (cấp tỉnh) và đất đai, đăng ký kinh doanh (cấp huyện) nhưng chất lượng dịch vụ hành chính công ở nhiều TTHC chỉ đạt mức hài lòng ở mức trung bình và thấp như: giáo dục, đất đai, đăng ký kinh doanh, xây dựng (cấp tỉnh) và một số địa phương như: Dĩ An, Bàu Bàng, Bến Cát có tỷ lệ hài lòng của người dân và tổ chức chỉ đạt mức trung bình và thấp. Điều này cho thấy cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong công tác cải cách hành chính để khắc phục những vấn đề này và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân khi mức sống, trình độ dân trí cao hơn, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn và kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh phát triển ở mức độ cao hơn.

Trong thới gian tới, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tỉnh cần nhiều nỗ lực hơn nữa vì một nền hành chính hiệu quả, minh bạch và đáp ứng, bảo đảm mọi người có khả năng tiếp cận và có quyền được sử dụng công bằng và đầy đủ các dịch vụ hành chính công có chất lượng cao để đạt mức hài lòng của người dân và tổ chức từ 80% trở lên vào năm 2020 theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và của tỉnh Bình Dương.

 HIẾU TRUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1199
Quay lên trên