Gánh nặng tăng trưởng kinh tế thấp, tình trạng thất nghiệp tồn đọng, áp lực giữ vững vị thế trên trường quốc tế, sự chỉ trích từ phe đối lập – đảng Cộng hòa... ngày càng đè nặng lên chính quyền Tổng thống Obama.
Bất ổn kinh tế...
Báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ công bố hồi đầu tháng cho thấy chỉ có 69.000 việc làm mới được tạo ra trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 8,2%. Ngay sau đó, Tổng thống Obama đã thúc giục Quốc hội nước này thông qua tín dụng, thuế và các chương trình chi tiêu để tạo thêm nguồn việc làm. Các thành viên đảng Cộng hòa lập tức “tấn công” chính quyền ông Obama đã kém cỏi trong xử lý, để tình trạng bất ổn tiếp tục diễn ra, kìm hãm sự tăng trưởng trong lĩnh vực tư nhân và tuyển dụng mới.
Bức ảnh bị cho là dàn dựng trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden góp phần giảm uy tín của chính quyền Tổng thống Obama. Đáp lại, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng báo cáo việc làm vừa qua cho thấy đảng Cộng hòa đã né tránh giải quyết rốt ráo vấn đề tạo việc làm được nhắc đến trong một loạt dự luật liên quan đến việc cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, ngăn chặn lãi suất cho sinh viên vay tăng lên gấp đôi và bảo đảm phụ nữ được trả mức lương ngang bằng nam giới trong cùng một công việc…
Tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu là một trong những điểm tạo ra sự cách biệt rõ ràng trong chính sách của chính quyền ông Obama và phe đối lập đảng Cộng hòa, phe vốn từ trước đến nay luôn hậu thuẫn giới thượng lưu. Ngày 16-4, dự luật thuế Buffett của Tổng thống Mỹ nhằm áp thuế thu nhập tối thiểu 30% với những người có mức thu nhập hơn 1 triệu USD/năm đã thất bại khi bị Thượng viện phủ quyết. Dự luật này nằm trong kế hoạch tổng thể của đảng Dân chủ với đề nghị cắt giảm 3.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách được đưa ra từ cuối năm 2011. Trong đó, huy động qua việc tăng thuế là 1.500 tỷ USD. Phe Cộng hòa luôn giữ vững quan điểm: bất kỳ sự tăng thuế nào cũng sẽ làm suy yếu nền kinh tế vốn đang lung lay của Mỹ.
Một trong những bất lợi mà đảng Cộng hòa muốn tập trung chỉ trích chính quyền ông Obama là nhiên liệu. Hồi tháng 3, kết quả khảo sát trực tuyến của Reuters/Ipsos chỉ ra 68% người Mỹ phản đối chính sách năng lượng của Tổng thống Obama. Họ cho rằng giá nhiên liệu tại thời điểm ấy quá cao.
Theo kết quả khảo sát, 89% cử tri đảng Cộng hòa phản đối chính sách điều hành năng lượng của chính quyền ông Obama, cao hơn nhiều so với 52% cử tri của đảng Dân chủ và 73% cử tri độc lập khác. Cuộc khảo sát thực hiện với quy mô vừa, chỉ có 600 công dân Mỹ tham gia nhưng được phe Cộng hòa lấy làm lợi thế để vạch ra những thiếu sót trong quản lý giá nhiên liệu hiện nay. Chủ tịch Hạ viện John Boehner từng cho rằng, chính quyền Obama không làm đủ những gì cần thiết để tăng lượng dầu hỏa và khí đốt được khai thác trên đất đai do chính phủ liên bang làm chủ. Đồng thời, ông yêu cầu chính phủ ngưng đưa ra những quy định mới về quản lý đối với các nhà máy lọc dầu.
Bức ảnh bị cho là dàn dựng trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden góp phần giảm uy tín của chính quyền Tổng thống Obama.
Đến an ninh, chính trị
Nhắc đến vấn đề giá nhiên liệu trong thời điểm này đồng nghĩa với việc đề cập đến thái độ của đảng cầm quyền đối với trường hợp của Iran. Đây cũng là điểm mấu chốt để đảng Cộng hòa chỉ trích ông Obama và những nhà hoạch định chính sách của chính quyền. Trong phiên điều trần cuối tháng 3 vừa qua trước một ủy ban Thượng viện Mỹ, các chuyên gia về dầu cho rằng căng thẳng về vấn đề Iran đã thực sự đẩy giá xăng ở Mỹ lên cao và việc gia tăng cấm vận sẽ đẩy giá xăng lên cao hơn nữa. Thái độ lưng chừng có vẻ ôn hòa của Tổng thống Obama trong việc quyết định thời điểm tấn công Iran đã không thuyết phục được Israel. Dễ hiểu thái độ của chính quyền Obama vì ở thời điểm hiện nay, để chiến tranh xảy ra ở Iran sẽ càng đưa kinh tế thế giới bước sâu vào suy thoái, người Mỹ chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Nhưng khác với quan điểm của đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa luôn đặt ưu tiên về an ninh lên hàng đầu. Đó là lý do họ liên tục chỉ trích thái độ của phe Dân chủ trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 17-6 của Đài truyền hình CBS. Cựu Thống đốc Massachusetts Mitt Romney, đại diện đảng Cộng hòa tranh cử cùng ông Obama cam kết rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 7-11 tới, ông sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để chặn đứng sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân ở Iran.
Trước đó, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong những lần tiếp xúc cử tri đã không ngừng nhấn mạnh chính sách của Tổng thống Obama đã làm suy yếu an ninh của nước Mỹ, cản trở những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông cũng như quá nhượng bộ Iran. Cụ thể, họ cho rằng ông Obama đã gây sức ép quá mức với Israel trong việc yêu cầu nước này trở lại bàn thương lượng với người Palestine.
Về vấn đề Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ đang lên kế hoạch triển khai tại lãnh thổ châu Âu, phe Cộng hòa cũng không cho ông Obama bất cứ cơ hội nào làm khác đi tiêu chí cứng rắn, bảo thủ trong vấn đề an ninh. Hồi cuối tháng 3, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lúc bấy giờ (nay là Thủ tướng Nga), ông Obama tuyên bố sẽ linh hoạt hơn trong vấn đề NMD nếu tái đắc cử. Hậu quả là hơn 40 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi một bức thư lên Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo họ sẽ “phản đối bất kỳ một nỗ lực nào có nguy cơ giới hạn khả năng của Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ đang lên kế hoạch triển khai tại lãnh thổ châu Âu”.
Theo SGGP