Đột phá đào tạo nghề

Cập nhật: 08-12-2016 | 22:23:58

Bước vào nhiệm kỳ 2006-2010, lĩnh vực đào tạo nghề ở Bình Dương phát triển mạnh. Hàng loạt trường trung cấp nghề vừa được nâng cấp đã bắt đầu tham gia tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề, góp phần nâng cao năng lực đào tạo, cung cấp nguồn lực cho tỉnh.

 Thí sinh tham gia hội thi tay nghề cấp tỉnh. Ảnh: T.VY

 Đào tạo đáp ứng thị trường lao động

Trong giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đã đào tạo trên 28.000 lao động, chất lượng dạy nghề luôn chuyển biến, từng bước đáp ứng thị trường lao động. Đội ngũ giáo viên dạy nghề đã được củng cố nâng dần về chất lượng, nhiều giáo viên đã chủ động cập nhật kiến thức công nghệ mới để đưa vào bài giảng, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa người học. Công tác đào tạo nghề của Bình Dương đã được tập trung đầu tư xây dựng cơ bản và nâng cấp cơ sở vật chất, bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu và ngân sách của tỉnh khá lớn.

Trong 5 năm (2006-2010), các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo 88.640 học viên, trong đó có 1.673 sinh viên, 8.218 học viên trung cấp nghề, còn lại sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đã góp phần phấn đấu đến cuối năm 2010 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 60%. Các ngành nghề đào tạo thu hút được nhiều người học như: Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, thiết kế đồ họa, điện tử công nghiệp… Ngoài những ngành nghề trên, còn xuất hiện thêm những ngành nghề mới như: Sinh vật cảnh, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn cũng thu hút nhiều người học, nâng số lượng ngành nghề trên địa bàn tỉnh là 66 nghề. Nhiều dự án xây dựng, phát triển được tiếp tục triển khai. Trang thiết bị giảng dạy được đầu tư nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, giúp các cơ sở đào tạo phát huy, đẩy mạnh hơn việc nâng cao chất lượng. Một số chính sách, chế độ cũng được ban hành, thể hiện sự quan tâm, động viên đối với đội ngũ cán bộ giáo viên trong tỉnh, kể cả giáo viên dạy nghề.

Nhiều chính sách “đặc trưng”

Mỗi năm Bình Dương cần tuyển khoảng 40.000 - 50.000 lao động, trong đó phấn đấu hơn 70% lao động được qua đào tạo nghề, Bình Dương đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ. Để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn này, tỉnh đã có nhiều biện pháp thu hút lao động từ các tỉnh trong cả nước. Năm 2006, Bình Dương xây dựng kế hoạch liên kết thu hút nguồn lao động theo “hình tam giác”: Doanh nghiệp tại Bình Dương - Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh - tỉnh bạn và kế hoạch này đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007. Cách làm này là một “đặc trưng” của Bình Dương, bởi đây là nơi thu hút một lượng lớn nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng tự chủ động thu hút, khuyến khích lao động đến với đơn vị bằng nhiều chính sách “đãi ngộ” như: đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề cũng như lo nơi ăn ở cho lao động khi đến với công ty. Bình Dương chú trọng đầu tư phát triển hoạt động dạy nghề. Ngay từ giữa năm 2001, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới dạy nghề 2001-2010. Theo đó, mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2010 xây dựng được hai hệ thống dạy nghề: Hệ thống dạy nghề đại trà và hệ thống trường, trung tâm dạy nghề chất lượng cao. Từ hai hệ thống này, sẽ tăng cơ hội học nghề cho mọi đối tượng có nhu cầu, từ đó tỉnh sẽ từng bước phổ cập nghề, đào tạo được nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cung ứng cho thị trường lao động ở Bình Dương.

 Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore giai đoạn 2005-2010. Ảnh: T.VY

Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh từng bước thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với doanh nghiệp, như đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, bình quân mỗi năm đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp cho hàng ngàn lao động, với ngành nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp như: vận hành máy thi công cơ giới, vận hành xe nâng hàng, cần trục… Học sinh ra trường từ các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều tìm được việc làm ổn định.

Tại hội nghị tổng kết công tác dạy nghề năm học 2009-2010, ông Huỳnh Văn Nhị, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, sự nghiệp dạy nghề đã đạt được kết quả khích lệ. Các cơ sở dạy nghề phát triển nhanh theo quy hoạch. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, chất lượng và hiệu quả dạy nghề có chiều hướng chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề được cải thiện. Xã hội hóa dạy nghề tiếp tục được đẩy mạnh. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được nâng cao”.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 70% và góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp, lĩnh vực đào tạo nghề ở Bình Dương tiếp tục được chú trọng phát triển, đẩy mạnh xã hội hóa, hướng mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=672
Quay lên trên