Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước

Cập nhật: 30-12-2016 | 07:56:48

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các lĩnh vực quản lý của các cấp chính quyền sẽ tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, xây dựng chính quyền điện tử, từ đó góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh. Mặt khác, việc làm trên còn tạo thuận tiện, giảm số lần, thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp (DN)… Qua những hiệu quả đó, giai đoạn 2010- 2015, tỉnh đã đầu tư mạnh cho CNTT.

Hầu hết cán bộ công chức, viên chức đã ứng dụng CNTT trong chuyên môn

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật

Sau khi tái lập tỉnh, giai đoạn 1997-2000, Bình Dương là một trong những tỉnh sớm thành lập Ban chỉ đạo chương trình CNTT để triển khai các dự án tin học hóa tại các sở, UBND cấp huyện; đối phó sự cố Y2K (sự cố máy tính). Trên thực tế, việc triển khai các dự án tin học hóa đã được thực hiện đều khắp các cơ quan, đơn vị nhưng đa số chỉ dừng lại ở mức trang bị phần cứng chưa có nhiều ứng dụng phần mềm. Do đó việc đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống phần mềm rất quan trọng. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã thực hiện 9 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2008-2010 (giải ngân 98,3 tỷ đồng), 10 dự án trong kế hoạch (62,6 tỷ đồng), 5 dự án ngoài kế hoạch (18,7 tỷ đồng) và thực hiện 32 đề cương và dự toán chi tiết sử dụng vốn sự nghiệp với kinh phí thực hiện 40,2 tỷ đồng.

Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, tính đến năm 2015, tỷ lệ cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện được trang bị máy tính khoảng 98% (1.938 máy); tỷ lệ cơ quan có mạng cục bộ, có kết nối internet băng thông rộng 100%; tỷ lệ máy tính có kết nối internet băng thông rộng 100%.

Đối với hạ tầng mạng đã kết nối đến 100% cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã với 166 điểm trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng và Nhà nước với tốc độ cao. Hạ tầng mạng nội bộ tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh được đầu tư hiện đại, tốc độ 100Mbps-1Gbps bảo đảm cho các đơn vị khai thác các ứng dụng, dịch vụ dùng chung tại Trung tâm dữ liệu tỉnh. Đã phủ sóng wifi cho 37 cơ quan, hình thành mạng wifi tập trung trong tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh.

Tỉnh đầu tư hạ tầng bảo đảm an toàn thông tin, hiện 21/21 sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã được trang bị đầy đủ các thiết bị cơ bản, hạ tầng mạng các cơ quan được chuẩn hóa theo mô hình tường lửa 2 lớp, định tuyển layer 3, Vlan, đáp ứng yêu cầu của Bộ TT-TT. Các hệ thống thông tin dùng chung đều được bảo vệ bởi các thiết bị chuyên dụng, hiện đại, thường xuyên cập nhật; 81% máy tính được trang bị phần mềm diệt virus bản quyền.

Phục vụ nghiệp vụ chuyên môn

Theo ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với việc triển khai các ứng dụng ngành dọc, hầu hết các sở, ban, ngành đều có dự án xây dựng ứng dụng phục vụ quản lý số liệu chuyên ngành, góp phần tăng tỷ lệ ứng dụng CNTT kết hợp cải cách hành chính trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Một số cơ quan có ứng dụng tốt như Công an tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý khoảng 1 triệu công dân thường trú, triển khai một số phần mềm quản lý chuyên ngành quản lý trật tự an toàn xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai các phần mềm của Bộ GD-ĐT, quản lý đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng, điểm thi tốt nghiệp THPT, chất lượng tối thiểu giáo dục tiểu học. Sở GD-ĐT còn ứng dụng CNTT trong phầm mềm quản lý học sinh cho 27 trường THPT công lập. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là nơi tiếp nhận, lưu trữ nhiều hồ sơ các đối tượng quản lý như người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, trẻ em, DN, trường nghề… việc ứng dụng phần mềm và quản lý số liệu rất cần thiết. Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng hệ thống thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các sàn giao dịch vệ tinh, các phòng LĐ- TB&XH cấp huyện, quản lý hơn 436.000 hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, khoảng 67.000 hồ sơ người tìm việc, gần 25.000 hồ sơ tuyển dụng của DN; phần mềm này đồng bộ với số liệu website sàn giao dịch việc làm để giúp DN, người tìm việc dễ dàng truy cập tìm đúng người, người tìm đúng việc.

Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật

Cổng thông tin điện tử tỉnh và 5 cổng thành phần đã được xây dựng trên nền công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ TT-TT, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, hỗ trợ liên kết RSS với website các đơn vị, có giao diện đặc thù trên thiết bị di động, có 2 phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt.

Hiện nay, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã có cổng/trang thông tin điện tử, cung cấp thông tin hoạt động ngành, văn bản quy phạm pháp luật, các dịch vụ công mức độ 2, ứng dụng nội bộ... đa dạng phục vụ người dân, DN.

Tỉnh đã xây dựng Trang thông tin hành chính công (dichvucong.binhduong.gov. vn), thực hiện cung cấp 1.810 dịch vụ công mức độ 2 từ cấp tỉnh đến xã (xấp xỉ đạt 100%), 47 dịch vụ công mức 3, hỗ trợ tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp huyện, có hệ thống lấy số thứ tự qua mạng, tổng hợp kết quả giải quyết hồ sơ của toàn tỉnh; đăng ký chuyển trả tại nhà.

Công tác đào tạo cán bộ CNTT cũng được tỉnh quan tâm. Tỉnh đã tổ chức 240 lớp cho 5.635 lượt học viên để nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức trong công việc. Hầu hết cán bộ CNTT đã tham gia tối thiểu 1 lớp đào tạo kỹ năng chuẩn đoán, bảo trì, vận hành hệ thống thông tin nội bộ và có khả năng khác phục sự cố cơ bản trong hoạt động ứng dụng CNTT.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
CNTT

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=800
Quay lên trên