Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 13

Cập nhật: 15-12-2016 | 08:35:08

 Kỳ 13: Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông

10 năm sau ngày tái lập tỉnh, Bình Dương đã khẳng định vị trí tốp đầu của cả nước trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần quan trọng vào thành công đó phải kể đến vai trò đi trước một bước của hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Đường ĐT743 là tuyến giao thông huyết mạch lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp trong tỉnh với các trung tâm đô thị, sân bay, cảng biển và hòa vào hệ thống giao thông quốc gia (quốc lộ 1A). Ảnh chụp giao lộ ĐT743 (Khu công nghiệp Sóng Thần I) và cầu vượt Sóng Thần (quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh) Ảnh: DUY CHÍ

Huy động tốt các nguồn lực đầu tư

Sau hơn 10 năm tái lập, từ tỉnh nghèo, Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ. Chiếc “đòn bẩy” quốc lộ 13 đã phát huy vai trò giúp tỉnh nhà phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị. Quốc lộ 13 còn phát huy vai trò kích thích phát triển các trung tâm đô thị phía bắc với trung tâm công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh, cùng hướng về trung tâm Thành phố mới Bình Dương với cự ly ngắn nhất. Tuyến quốc lộ quan trọng này còn như sợi dây liên thông làm gia tăng giá trị hàng hóa đã qua chế biến tại các khu, cụm công nghiệp ở Bình Dương tiếp tục lan tỏa ra hai cửa ngỏ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây nguyên đi nước ngoài gần nhất, tiết kiệm nhất.

Cùng chia sẻ vai trò quan trọng với quốc lộ 13 và gánh vác thêm nhiệm vụ rút ngắn cự ly, mở ra hành lang giao thông mới theo chiều ngang, đồng thời phát huy vai trò các đô thị vệ tinh xung quanh Thành phố mới Bình Dương là các tuyến đường như ĐT741… kết nối với đường Vành đai 3 tạo ra hành lang mới gắn kết Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh ra các cảng quốc tế, các trung tâm logistics và ngược lại một cách ngắn nhất, hiệu quả nhất. Trong khi đó, cầu Ông Cộ, đường ĐT746, ĐT744 kết nối trung tâm thành phố mới đi qua các khu di tích lịch sử cách mạng, khu du lịch, khu công nghiệp, trung tâm các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên…

Nhờ vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với đó phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã giúp kinh tế - xã hội của tỉnh nhà bước lên vị trí cao hơn một cách an toàn, vững chắc.

Đồng bộ, liên hoàn

Đồ án xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương đã được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định 522/QĐ-BXD ngày 27-3-2006. Trên cơ sở đồ an quy hoạch được phê quyệt, Bình Dương đã tập trung xây dựng cho mình vóc dáng riêng theo hướng đô thị trẻ văn minh, hiện đại, năng động và thân thiện môi trường; trong đó hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển chuỗi đô thị cũ và mới theo hướng hiện đại. Đồng thời, kết nối các khu vực trên địa bàn tỉnh với khu liên hợp được thuận lợi, nhanh chóng.

Các tuyến đường tạo lực số 1 nối liền khu liên hợp với đường ĐT743, tuyến tạo lực số 6 nối liền khu liên hợp với quốc lộ 13. Hai tuyến đường này mở ra cửa ngỏ phía nam khu liên hợp, đồng thời với việc đầu tư tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (đường vào Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh) và đường Mỹ Phước - Tân Vạn tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn của khu vực, kết nối giao thông thông suốt giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Đối với tuyến tạo lực số 2B nối liền khu vực phía đông khu liên hợp với đường ĐT746. Đây là cửa ngõ thông thương ra cảng Thạnh Phước, sông Đồng Nai, cảng quốc tế nước sâu Thị Vải… Còn tuyến tạo lực N14 nối liền đường ĐT741 là cửa ngõ phía bắc của khu liên hợp, giữ vai trò tiếp nhận, giao lưu hàng hóa từ tỉnh Bình Phước và khu vực Tây nguyên. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, mở rộng đường ĐT742 cùng với việc hình thành tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh… sẽ tạo ra mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, hiện đại, vừa hội tụ vừa lan tỏa mạnh mẽ vào mạng lưới giao thông trong vùng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, khi tuyến đường vành đai 4 (TP.Hồ Chí Minh) được hình thành là trục Đông - Tây của khu liên hợp cũng như của tỉnh Bình Dương kết nối chuỗi đô thị Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh thông suốt.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, trong giai đoạn 2005- 2010, mạng lưới giao thông của tỉnh Bình Dương vừa phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đồng thời kích thích phát triển các chùm đô thị vệ tinh hướng về trung tâm thành phố mới. Chủ trương đầu tư, phát triển nhanh hệ thống giao thông đã rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn, đồng nghĩa với việc làm thay đổi cơ bản cuộc sống, chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh nhà.

Kỳ 14: Điểm nhấn khu liên hợp

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=380
Quay lên trên