Kỳ 7: Tranh thủ ngoại lực
Xác định công nghiệp làm nền tảng đột phá nhưng rất cần nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, dịch vụ…, thời gian qua Bình Dương đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.
Cùng với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác, Tập đoàn May mặc Esquel Group (Hồng Kông) đã thành lập Công ty Esquel Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An) trong giai đoạn 2000-2005 Ả nh: PHƯƠNG LÊ
Bình Dương xuất phát là tỉnh có năng lực tài chính hạn hẹp nên luôn phải tính đến việc làm ăn bài bản để vững bước đi lên. Theo đó, tỉnh đã mạnh dạn xác định phát triển công nghiệp chính là yếu tố đột phá tạo tiền đề cho phát triển. Từ đó địa phương đã thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư”, nắm bắt và khai thác có hiệu quả mọi thời cơ để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước; trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của tỉnh nhà. Trong những năm qua, Bình Dương đã làm tốt công tác mời gọi đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI đã trở thành nguồn lực quan trọng để Bình Dương công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Có thể nói, trong giai đoạn 2000-2005 thu hút vốn FDI của Bình Dương đạt thành công lớn. Ngoại giao kinh tế tiếp tục trở thành một trong những công tác quan trọng của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển. Nhờ đó, kết thúc giai đoạn 2000-2005 Bình Dương đứng thứ 4 cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng Nai về thu hút vốn FDI.
Từ năm 2001 đến hết 2005, Bình Dương thu hút được hơn 16.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 705 dự án FDI với tổng số vốn 2,625 tỷ USD. Không chỉ thành công về số lượng và số vốn FDI vào tỉnh, Bình Dương còn rất thành công khi có đến 93% các dự án FDI tập trung đầu tư vào ngành sản xuất công nghiệp. Trong giai đoạn này, phần lớn các dự án tập trung vào khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Thuận An, Dĩ An và Bến Cát. Bình quân mỗi năm Bình Dương thu hút 141 dự án và 525 triệu USD vốn FDI. So với năm 2000, giai đoạn này Bình Dương thu hút gấp 2,9 lần về số dự án và 2,1 lần về số vốn FDI. Đây là một thành công lớn của Bình Dương, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhờ có nguồn ngoại lực dồi dào, Bình Dương có nguồn vốn lớn tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp để đón nhà đầu tư. Trong giai đoạn này, Bình Dương phát triển thêm 9 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên con số 16. Qua đó, thu hút được một lượng vốn rất lớn vào các khu công nghiệp, lên đến 606 dự án FDI với số vốn 2,259 tỷ USD. Vốn ngoại cũng được rót vào các ngành công nghiệp hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và tạo ra một lượng vật chất vượt trội so với các giai đoạn trước đó.
Nhờ nguồn ngoại lực chất lượng, các khu công nghiệp của Bình Dương cũng được đầu tư đồng bộ, bài bản và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Tiêu biểu nhất là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, với diện tích 500 ha, hạ tầng hiện đại, được đánh giá là khu công nghiệp có chất lượng cao nhất cả nước. Khu công nghiệp này có 161 dự án, tổng vốn FDI lên đến 893 triệu USD. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp hoạt động hiệu quả và được đánh giá cao. Trong khi đó, Khu công nghiệp Việt Hương có diện tích hơn 100 ha, thu hút vốn FDI hơn 100 triệu USD. Đối với Khu công nghiệp Mỹ Phước, giai đoạn này cũng trở thành điểm nhấn trong việc thu hút một lượng lớn vốn FDI vào tỉnh.
Ngoài việc xác định tầm quan trọng của công nghiệp, tạo mũi nhọn đột phá, việc thu hút hiệu quả vốn FDI đã giúp cho Bình Dương tận dụng được các nguồn lực cần thiết để thực hiện những mục tiêu đã vạch ra. Chính nhờ điều này mà Bình Dương đã đạt được nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2001-2005, cũng như các giai đoạn tiếp theo.
Kỳ 8: Doanh nghiệp Nhà nước phát huy đầu tàu kinh tế
KHÁNH VINH