Chợ nổi là một nét văn hóa rất riêng của vùng sông nước Nam Bộ, đây là nơi diễn ra mua bán những sản vật nổi tiếng của vùng quê sông nước. Tuy nhiên, ở đây có một “sản vật” khá lạ được mua đi bán lại không kém phần sôi động - đó là tro rơm.
Bên cạnh những khu chợ nổi tiếng như: chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ); chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang); chợ nổi Long Xuyên (An Giang), còn một khu chợ "độc nhất vô nhị", đó là chợ tro rơm Trà Thôn, thuộc ấp Long Quới 1, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Nghề này đã mang lại cho nhiều người một cuộc sống khá giả, tiện nghi.
Chẳng ai biết chợ tro nổi có từ bao giờ, chỉ nghe kể rằng, từ cái ngày người giàu ở vùng đồng bằng châu thổ này biết trồng hoa màu, chơi hoa kiểng, lập vườn cây ăn trái đặc sản... thì cũng xuất hiện những thương lái, chủ vựa buôn tro rơm.
Về Long Điền B những ngày cuối hè ta có thể thấy cả trăm chiếc ghe tro rơm đậu dọc dài hai bên bờ kênh Trà Thôn và dòng sông Ông Chưởng để cất hàng. Không chỉ bán tro rơm cho các chủ vựa ở Trà Thôn mà nhiều chủ vườn trồng hoa kiểng, cây ăn trái ở miệt Sa Đéc, Cái Mơn, Vĩnh Long... cũng tìm đến tận "thương cảng tro rơm Trà Thôn" để mua. Hiện nay ở Trà Thôn có hàng trăm chủ vựa tro lớn, nhỏ. Vựa tro lớn nhất có cả trăm ngàn giạ, nhỏ nhất cũng mười, hai mươi ngàn giạ…
Từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, các chủ vựa vận chuyển tro lên các tỉnh miền Đông Nam bộ bán cho các nhà vườn làm phân bón trồng cây kiểng, hoa màu… Từ sáng sớm tới tận chiều, chợ nổi tro Trà Thôn lúc nào cũng tấp nập ghe. Những chiếc ghe nhỏ lúc nào cũng đầy ắp tro, còn ghe lớn thì neo tại chỗ, chờ thu gom đầy mới “nhổ neo”.
Ngày nay, ở xóm tro Trà Thôn có khoảng 100 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề mua bán tro. 100 hộ này được xếp nôm na thành ba thành phần: người bán, người thu mua, người làm công. Người làm công lo công việc đong, bê vác và trộn tro từ các ghe nhỏ sang ghe lớn, do chủ ghe lớn thuê. Mỗi khâu một người.
Người trộn tro phải có "nghề", khi đổ tro xuống ghe, đồng thời phải trộn cho đều giữa "tro nhẹ" và "tro nặng", tiền công của mỗi người là 150.000 đồng/ngày. Người bán- chủ ghe nhỏ, thường chỉ có hai vợ chồng, ghe khoảng 10 tấn trở xuống, bỏ công đi thu gom tro ở trong tỉnh, cũng có khi đi tới Bến Tre, Trà Vinh. Mỗi đợt đi thu gom đầy ghe tro khoảng 10 ngày, rồi về bến Trà Thôn bán lại cho các ghe lớn. Nghỉ ngơi một vài ngày họ lại tiếp tục chuyến khác.
"Đã mấy đời rồi gia đình tôi gắn với ghe tro. Tro cho chúng tôi nhà đẹp, đồ dùng tiện nghi, cho các con tôi đến trường; cho cả vùng quê nghèo này có cái ăn, cái để..." - chị La Thị Hà, một chủ ghe nhỏ tâm sự.
Theo Dân Việt