Tuy là huyện mới thành lập, nhưng ngay từ đầu Bàu Bàng đã đẩy mạnh phát triển, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán, mua sắm của người dân.
Chợ Lai Khê (xã Lai Hưng) đưa vào sử dụng đáp ứng được nhu cầu giao thương, mua sắm của người dân trên địa bàn. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Chợ nông thôn phát triển rộng khắp
Hiện nay, 7 xã của huyện Bàu Bàng đều có chợ; riêng xã Lai Uyên có 2 chợ, gồm 1 chợ hiện hữu từ trước đến nay (chợ nông thôn) và 1 chợ loại II do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) đầu tư xây dựng và quản lý khai thác nhằm phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bàu Bàng và khu vực lân cận.
Mạng lưới chợ truyền thống hiện vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ yếu của người sản xuất và người tiêu dùng. Nhằm tạo điều kiện cho người dân giao thương, buôn bán, huyện Bàu Bàng đã thực hiện xã hội hóa xây dựng các chợ với vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, điển hình như chợ Long Nguyên (vốn đầu tư 12 tỷ đồng), chợ Hưng Hòa (vốn đầu tư 13,5 tỷ đồng), chợ Tân Hưng (vốn đầu tư 7 tỷ đồng), chợ Trừ Văn Thố (vốn đầu tư 3 tỷ đồng)… Hiện các chợ này đã đi vào hoạt động ổn định.
Lãnh đạo UBND xã Lai Hưng cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa của huyện trong việc phát triển đa dạng hóa các loại hình thương mại - dịch vụ, chợ Lai Khê được Doanh nghiệp tư nhân thương mại - dịch vụ Trung Kiên đầu tư với diện tích hơn 3.000m2, kinh phí xây dựng 6,5 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ đầu năm 2017. Hiện Ban quản lý chợ đã bố trí cho 40 tiểu thương buôn bán với nhiều mặt hàng, đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân.
Đáp ứng tốt nhu cầu của người dân
Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn huyện Bàu Bàng cho thấy, tại đây có hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nước giải khát, mỹ phẩm…, trong đó mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chất lượng cao chiếm hơn 60%. Ông Hướng, tiểu thương tại chợ Lai Uyên cho biết, hiện các mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân bán tại chợ rất phong phú và cũng có nhiều thương hiệu, mẫu mã để bà con chọn lựa. Gần đây, các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất được bà con chọn mua nhiều hơn, do sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với mặt hàng thời trang như áo quần, giày dép, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện Bàu Bàng cũng chuẩn bị đầy đủ với nhiều mẫu mã, kiểu dáng. Vừa chọn mua cho con đôi dép để chuẩn bị bước vào năm học mới, chị Võ Thị Hà, ở xã Lai Uyên cho hay các mặt hàng giày dép có nhiều mẫu mã đẹp, bền và giá cả cũng phù hợp, chị rất an tâm khi mua mặt hàng này cho con.
Anh Thủy, chủ đại lý gạo tại chợ Lai Khê cũng cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, đại lý đã chuẩn bị đầy đủ các loại gạo, nếp với giá từ 10.000 - 26.000 đồng/kg và có thể cung ứng số lượng lớn cho các công ty phục vụ bữa ăn cho công nhân nếu có nhu cầu.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020, ngoài việc chú trọng đầu tư, chỉnh trang các chợ truyền thống ở nông thôn, từng bước hình thành các chợ, siêu thị ở các khu dân cư tập trung, huyện còn khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý phân phối hàng hóa, hệ thống bán lẻ trên địa bàn. Huyện cũng phối hợp với Becamex IDC triển khai các siêu thị, trung tâm thương mại, trước hết để đáp ứng cho các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Bàu Bàng và từng bước chuyển đổi một số chợ nông thôn tại các khu vực trung tâm theo hướng hiện đại để gia tăng sức mua cũng như giao thương với các vùng phụ cận.
H.PHẠM - V.THẮNG