Cán bộ, chiến sĩ Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy và Phòng Cảnh sát PCCC số 5 (Cảnh sát PC&CC tỉnh) vừa tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cháu Nguyễn Trần Tú Anh tại phường Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên sau gần một năm ngày em xảy ra tai nạn hy hữu, lọt xuống giếng khoan và được cứu sống nhờ nỗ lực phi thường của các lực lượng cứu hộ…
Tú Anh vui cười trò chuyện cùng những người đã cứu cháu 1 năm trước Ảnh: D.CHÍ
Chăm ngoan, học giỏi
Gặp lại các gương mặt quen thuộc đã kiên trì, vất vả từng giây phút giành giật níu kéo sự sống của em dưới giếng sâu, Tú Anh không còn rụt rè, sợ sệt như trước. Em xúc động không nói nên lời, nhưng ánh mắt thì sáng bừng, như nói lên tất cả tình cảm, sự vui mừng của em trước những người lính chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, mẹ Tú Anh xúc động cho biết: “Gia đình vô cùng biết ơn các chú, các anh chị Cảnh sát PCCC, các cấp chính quyền đã quan tâm giải cứu thành công cháu từ dưới giếng sâu tuyệt vọng! Nhờ tình thương của mọi người và sự động viên từ gia đình, nhà trường, tâm lý cháu dần ổn định và sớm hòa nhập cuộc sống bình thường. Kết quả học tập năm học 2015-2016, cháu Tú Anh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và được nhận phần thưởng từ nhà trường”.
Như báo Bình Dương đã thông tin, bé Tú Anh là nạn nhân trong vụ tai nạn hy hữu xảy ra cách đây hơn một năm tại phường Tân Vĩnh Hiệp. Chiều ngày 5-8-2015, khi em đang vui đùa tại bãi đất trống cùng các trẻ em trong xóm thì bất ngờ trời đổ mưa. Trong lúc chạy về nhà thì Tú Anh bất ngờ trượt chân lọt xuống khe hở của giếng khoan công nghiệp sâu trên 70m đã lắp ống dẫn, có độ hở chỉ hơn 20cm. Do bị rơi theo chiều thẳng đứng, 2 tay duỗi thẳng lên đầu nên cháu rất hoảng loạn, 2 chân liên tục đá vào ống dẫn và bị tụt xuống khỏi mặt đất khoảng 2m.
Thấy bạn gặp nạn các bạn cùng chơi đã chạy vào nhà gọi người lớn ra tiếp cứu. Ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch UBND phường Tân Vĩnh Hiệp có mặt ngay sau khi tai nạn xảy ra cho biết, trước đó do nóng ruột một số người đã dùng dây thừng luồng qua khe giếng đưa xuống cho cháu Tú Anh nắm để kéo lên. Do khe giếng hẹp chỉ vừa thân người, thành ống lại dính chặt vào giữa nên càng kéo thì thân ống phía dưới đáy giếng càng run, khiến cháu Tú Anh tiếp tục tụt sâu hơn xuống độ sâu 6m, 8m rồi 12m… Việc trước tiên mà lãnh đạo phường phải làm khi có mặt tại hiện trường là chỉ đạo cho lực lượng tại chỗ dùng phương tiện tự có để duy trì sự sống cho cháu, bằng cách dùng quạt đưa oxy xuống giếng rồi lập tức gọi 114 để Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đến giải cứu. Tiếp theo là tìm cách cố định để cháu Tú Anh không bị tụt sâu hơn nữa.
Nỗ lực phi thường
Đại úy Võ Thanh Tra, đội trưởng Đội cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PC&CC số 5 kể lại: Khi chúng tôi đến nơi còn nghe tiếng cháu khóc gọi “Cứu con nhanh đi, con lạnh lắm”! Câu nói ngây thơ đó đã đánh thức tình cảm làm cha, làm mẹ trong anh em chúng tôi làm bật ra rất nhiều giải pháp khác nhau để cứu cháu như: truyền nước, sữa qua ống để duy trì sự sống; thắt dây đưa xuống để cháu tự luồng vào cổ tay để cháu không bị tuột sâu hơn và liên tục trò chuyện để trấn an tâm lý nạn nhân… Cách làm này trong các bài tập, bài huấn luyện, kể cả trang thiết bị cũng đều không có mà phải sáng tạo, vận dụng hết.
Khó khăn như chồng chất thêm bởi trong lúc lực lượng cứu nạn đang làm việc thì trời đổ mưa gây nguy cơ nước tràn xuống giếng, đất sụp lấp miệng giếng đe dọa trực tiếp đến sự sống của nạn nhân. Trung tá Huỳnh Văn Hai chỉ huy cứu nạn đã báo cáo lãnh đạo Cảnh sát PC&CC cùng Ban chỉ đạo cứu nạn cứu hộ phương án bảo đảm an toàn nếu mưa lớn xảy ra và dùng cơ giới để đào một giếng khác song song với thành giếng cũ để giải cứu nạn nhân.
Lập tức các phương tiện cơ giới được điều khiển bởi đội thợ mỏ chuyên nghiệp được điều tới cùng với đội đào giếng chuyên nghiệp cũng được huy động vào hiện trường. Thời gian càng trôi qua, sự căng thẳng càng lớn hơn, vì nhiều lúc đội cứu hộ mất liên lạc với bé Tú Anh. Đại úy Võ Thanh Tra kể lại, khi mất tín hiệu liên lạc với cháu chúng tôi ai nấy đều nín thở nghĩ rằng cháu bị ngất hoặc không chịu đựng nổi do bị ép chặt kéo dài chỉ với 1 tư thế…
Và điều kỳ diệu đã đến. Sau gần 9 giờ liên tục làm việc của trên 300 con người phải đào đắp, di chuyển hàng ngàn m3 đất để chạy đua với thời gian, giây phút cháu Tú Anh được đưa lên khỏi mặt đất đã khiến hàng trăm người lặng im xúc động. Sau đó là những tràng vỗ tay reo hò sung sướng.
Trung tá Bùi Viết Toàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 5 cho biết: “Liên tục nhiều giờ làm việc ai cũng mệt, nhưng khi cứu được cháu lên mọi người đều phấn khích. Khi đưa cháu lên khỏi mặt đất dù đã có xe cấp cứu đợi sẵn nhưng chỉ huy phải ra lệnh: “Ủ ấm và giữ cháu tại chỗ, không để nạn nhân bị sốc”! Bởi vì từ độ sâu thiếu dưỡng khí, áp lực cao nhiều giờ, khi đưa lên mặt đất di chuyển nhanh sẽ khiến các mạch máu bị vỡ, nguy hiểm đến tính mạng do áp lực giảm đột ngột”.
Nhận quà và những lời thăm hỏi động viên từ các thành viên đã từng tham gia cứu nạn 1 năm trước, chị Nguyễn Thị Nguyên, mẹ Tú Anh rưng rưng xúc động: “Các chú, các anh cùng mọi người đã sinh ra cháu một lần nữa. Gia đình luôn ghi tạc công ơn của quý lãnh đạo các cấp, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã cứu giúp cháu và gia đình qua khỏi hoạn nạn. Kính chúc các chú, các anh được thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc để sẵn sàng cứu giúp những người gặp tại nạn…”.
DUY CHÍ