Bình Dương là một trong những tỉnh, thành được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lựa chọn thí điểm thực hiện chương trình về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (NƠXH) theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ- CP của Chính phủ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Bình Dương.
Nhà ở xã hội Hòa Lợi (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: XUÂN THI
- Quy định về lãi suất cho vay mua, thuê mua NƠXH được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 370. NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện quy định này như thế nào, thưa ông?
- Chương trình cho vay này mang ý nghĩa nhân văn, bởi chủ trương của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp tại các địa phương. Vì vậy, chương trình cho vay này đang được chuẩn bị hoàn tất ở những khâu cuối cùng. Bước đầu, chúng tôi đã triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giải ngân chương trình tín dụng cho cán bộ của 7 phòng giao dịch thuộc hệ thống NHCSXH tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Chúng tôi cũng đã tập huấn nghiệp vụ cho đại diện lãnh đạo các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị, thành phố; các hội, đoàn thể, tổ kiết kiệm vay vốn nhằm thực hiện chính sách cho vay theo hướng nhanh, gọn, chính xác đến đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng. Đến nay, NHCSXH đã thông báo bố trí cho Chi nhánh Bình Dương là 50 tỷ đồng
- Thưa ông, đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng này được xác định như thế nào?
- Hiện tại, đối tượng được vay vốn bao gồm người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Trừ đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, các đối tượng khác còn lại để được vay vốn phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc đối tượng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, Bình Dương là tỉnh được xác định không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương, trong khi đó nguồn vốn Trung ương giao chi nhánh chỉ cho vay đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí Trung ương. Do vậy, chúng tôi dự kiến sẽ phân chia 2 nhóm đối tượng vay vốn, gồm hộ có thu nhập thấp sẽ vay vốn theo quy định của Trung ương; hộ nghèo, cận nghèo được xác định theo tiêu chí của tỉnh (nếu có phát sinh) phải sử dụng nguồn vốn địa phương.
- Tổng nguồn vốn 100 tỷ đồng dự kiến cho vay trong năm nay có đáp ứng đủ nhu cầu vay mua, thuê NƠXH trên địa bàn tỉnh không, thưa ông?
- Năm nay, chúng tôi xây dựng nhu cầu nguồn vốn là 150 tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến trình UBND tỉnh và Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH chi nhánh tỉnh phân bổ các địa phương có nhu cầu vay cao. Hiện NHCSXH - Chi nhánh tỉnh được ngân sách Trung ương bố trí vốn 50 tỷ đồng. Theo ước tính, nguồn vốn này không đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi đối tượng thu nhập thấp tại Bình Dương có nhu cầu vay mua NƠXH rất cao. NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Bình Dương đang tham mưu, đề xuất UBND tỉnh huy động đối ứng nguồn vốn địa phương thêm 50 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Từ đó, góp phần để cho vay đến đối tượng theo đúng quy định.
- Xin ông cho biết, để nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, các đơn vị liên quan cần phải làm gì?
- Trên cơ sở biểu mẫu và hướng dẫn thực hiện cho vay chương trình này của Bộ Xây dựng, NHCSXH đã có văn bản để xác định người thu nhập thấp, cùng với các quy định về đối tượng được vay vốn thế nào thì được tiếp cận vốn. Do vậy, sẽ ít có khả năng vốn không đến đúng đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách. Mặt khác, hồ sơ xác định đủ tiêu chuẩn vay hay không là do tổ chức, hội, đoàn thể, chính quyền xã, phường, thị trấn bình xét, duyệt hồ sơ tại địa phương. Trường hợp nhu cầu vay vốn cao hơn kế hoạch giao thì tổ chức chấm điểm theo bảng tiêu chí để xét ưu tiên vay vốn, nếu trường hợp có nhiều người bằng điểm nhau thì tổ chức bốc thăm dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND cấp xã và được lập thành biên bản lưu tại xã. Tôi nghĩ, cách làm này sẽ tạo được tính công khai minh bạch, thứ tự lần lượt trước sau cho hộ thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh.
- Còn các điều kiện khác để được vay vốn mua, thuê mua NƠXH là gì, thưa ông?
- Ngoài yêu cầu đối tượng vay vốn là hộ có thu nhập thấp (không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở ổn định...), mức vay được giải ngân 70 - 80% giá trị, NƠXH do doanh nghiệp xây dựng đáp ứng đúng quy định của Bộ Xây dựng… còn có điều kiện khi được vay vốn thì người vay phải gửi tiền tiết kiệm. Tức là sau khi thủ tục bình xét cho vay xong và ký hợp đồng tín dụng thì người vay phải gửi tiền tiết kiệm tối thiểu 12 tháng, thời gian được tính từ khi nhận món vay đầu tiên, mức gửi tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn. Ví dụ, một người vay 500 triệu đồng, thời hạn trả trong 15 năm, tính chung mỗi tháng trả gốc, lãi bình quân 3 triệu đồng; như vậy tiền gửi tiết kiệm tối thiểu mỗi tháng là 3 triệu đồng. Thời gian thực hiện nghĩa vụ gửi tiết kiệm này trong vòng một năm đầu để tạo ý thức tiết kiệm cho người vay, khác với trước đây là gửi tiết kiệm trước đủ 12 tháng sau đó mới được vay.
Những quy định gửi tiết kiệm như vậy, theo tôi, khách hàng không gặp khó khăn gì, vì đó là tiền tiết kiệm hàng tháng của khách hàng. Với mức lãi vay 4,8%/năm như hiện nay và lãi suất vay do Thủ tướng quyết định, theo hướng hỗ trợ tối đa cho đối tượng chính sách, phù hợp với nhu cầu thanh toán của người dân.
- Xin cảm ơn ông!
THANH HỒNG (thực hiện)