Vì nể nang bạn bè thân thiết, ông Nh. đã không ngần ngại cho bạn mượn tiền, không tính lãi. Thế nhưng, sau nhiều năm trôi qua vẫn không thấy bạn có thiện chí trả, ông làm đơn khởi kiện thì người bạn này đã tính đến chuyện xa hơn để không phải mất đất, mất tiền!
Theo nội dung vụ kiện, trước đây, ông Trần Văn S. có vay của ông Trần Văn Nh. hơn 300 triệu đồng, ông S. đã bị tòa cấp sơ thẩm xử thua, buộc ông S. phải trả số tiền trên cho ông Nh. Tuy nhiên, ông Nh. cho rằng trước khi xét xử phúc thẩm thì ông S. đã lén tặng cho tài sản bà Trần Thị Đ. là em gái ông S. Việc ông S. lén lút tặng, cho tài sản nêu trên thể hiện việc tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với ông.
Quyền sử dụng đất là tài sản duy nhất của ông S., không còn tài sản nào khác để thi hành án, việc tặng cho bà Đ. quyền sử dụng đất là để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ vì hiện tại ông S. vẫn ở trên đất và quản lý, sử dụng đất từ đó đến nay. Do đó, ông Nh. yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông S. và bà Đ., yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Trần Thị Đ.
Ông S. không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nh. vì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông cho bà Trần Thị Đ. được Văn phòng công chứng chứng thực, đúng theo trình tự thủ tục, thửa đất của ông cũng không bị tranh chấp với ai vào thời điểm đó. Ông ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là do ông nợ tiền bà Đ. và bà Đ. thay ông trả tiền cho ngân hàng chứ không phải để tẩu tán tài sản. Bà Đ. cũng không đồng ý với yêu cầu của ông Nh. vì không phải ông S. tặng cho bà mà là bà mua với số tiền 600 triệu đồng, còn việc làm hợp đồng tặng cho là để không phải đóng tiền thuế!
Với quyết tâm chứng minh việc ông S. cố tình tẩu tán tài sản, ông Nh. đã chứng minh được ông S. đã làm hợp đồng tặng cho em ruột là bà Đ. Trên đất có nhà và vườn cây sao su, hiện ông S. vẫn đang sinh sống bình thường trên phần đất này. Thời điểm ông S. làm hợp đồng tặng cho thì đã có bản án dân sự sơ thẩm, đang chờ thủ tục xét xử phúc thẩm. Ngoài ra, trên đất có nhà và cây cao su nhưng trong hợp đồng tặng cho không thể hiện tại văn phòng công chứng là không đúng quy định pháp luật. Hợp đồng này có căn cứ là giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Còn ông S. và bà Đ. cho rằng hợp đồng tặng cho này đã có hiệu lực trước khi bản án có hiệu lực theo quy định tại Khoản 1 Điều 168, Khoản 2 Điều 439 và Điều 692 Bộ luật Dân sự năm 2005 và theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐCP của Chính phủ ngày 18-7-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự nên không bị vô hiệu. Tuy nhiên, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18- 7-2015 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-9-2015, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông S. với bà Đ. được lập trước ngày nghị định này có hiệu lực nên tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu là có căn cứ nên yêu cầu kháng cáo của các đương sự là không có căn cứ chấp nhận.
Vì vậy, sau khi xem xét tất cả các chứng cứ, tòa phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của ông S. và bà Đ. Tuyên giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm là hủy hợp đồng tặng cho tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Đ. Như vậy, sau bao ngày vất vả theo đuổi vụ kiện tới cùng, ông Nh. cũng đã giành được quyền lợi cho mình, cái ông mất chính là tình bạn thâm tình bấy lâu nay…
THỦY TRINH