Chủ động công tác phòng, chống tội phạm: Phát huy sức mạnh của lực lượng cơ sở

Cập nhật: 08-04-2023 | 08:03:12

 Ngày 7-4, Công an (CA) tỉnh Bình Dương phối hợp với trường Đại học Cảnh sát Nhân dân đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở của CA tỉnh Bình Dương”. Thời gian gần đây, trước tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp thì những nội dung thiết thực được nêu ra tại hội thảo nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt ở cơ sở là hết sức kịp thời, cần thiết.

 Công an các địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm chủ động tấn công tội phạm. Trong ảnh: Công an huyện Dầu Tiếng phối hợp tuần tra vũ trang trên địa bàn. Ảnh: THANH QUANG

 Chủ động đấu tranh tội phạm từ cơ sở

Với việc phát triển nhanh kinh tế - xã hội và gia tăng dân số đã tạo áp lực lớn đến công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh, từ năm 2017 đến hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 5.168 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội. CA tỉnh đã điều tra khám phá trên 4.500 vụ, đã khởi tố trên 6.900 đối tượng.

Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng phòng CSHS CA tỉnh, cho biết nhằm chủ động công tác tấn công tội phạm, lực lượng CSHS luôn có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng cơ sở. Nhờ công tác phối hợp tốt mà trong các đợt chuyển hóa địa bàn, cao điểm tấn công tội phạm được thực hiện thời gian qua đã đạt kết quả tốt. “Song song với công tác đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm thì công tác phòng ngừa thời gian qua đặc biệt được chú trọng. Trong đó, CA tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật đến nhà trường, các doanh nghiệp, khu nhà trọ… để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật”, Thượng tá Nhựt cho biết thêm.

Cũng theo báo cáo tại hội thảo, thời gian qua nhằm góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn, ngoài việc tiếp tục chuyển hóa địa bàn tại cơ sở, 91/91 đơn vị xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập hàng chục mô hình tự quản về ANTT và ngày càng phát huy hiệu quả. Cụ thể như mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” với 3.188 thành viên; “Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT trong doanh nghiệp” với 757 đội, 15.779 thành viên tại 749 doanh nghiệp; 187 “Câu lạc bộ Chủ nhà trọ tự quản về ANTT” với 5.158 thành viên; 189 “Câu lạc bộ Chi hội thanh niên nhà trọ” với 4.965 thành viên…

Theo Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc CA tỉnh, để các mô hình tự quản về ANTT tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được trong thời gian qua, lực lượng CA các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc tiếp tục củng cố lại tổ chức của các mô hình; chú trọng việc tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên hoạt động trong các mô hình tự quản.

Trân trọng từng tin báo của người dân

Trong 5 năm qua, Phòng CSHS CA tỉnh đã đấu tranh, triệt xóa thành công 190 chuyên án, bắt giữ hơn 900 đối tượng. Ngoài ra, CA các địa phương cũng đã triệt phá nhiều chuyên án, đánh tan các băng nhóm hoạt động ở địa bàn giáp ranh. Quá trình tổ chức truy xét và phá án, lực lượng CA từ cấp tỉnh đến cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ dân phố, người dân, thành viên của các câu lạc bộ tự quản về ANTT đã cung cấp hàng ngàn tin báo giúp cho việc phá án nhanh chóng hơn.

Đánh giá về công tác này, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Các mô hình tự quản đã giúp rất nhiều cho lực lượng CA trong việc giữ gìn ANTT. Họ có thể trực tiếp tham gia hòa giải các vụ việc ngay từ đầu để tránh xảy ra các vụ việc phức tạp hoặc báo tin cho lực lượng chức năng gần nhất để kịp thời có mặt xử lý. Thông qua các mô hình đã giúp lực lượng CA tuyên truyền kiến thức pháp luật đến với người dân. Đáng chú ý, thời gian qua rất nhiều thành viên trong một số câu lạc bộ đã khống chế bắt giữ đối tượng gây án xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó mà tình hình ANTT ở một số nơi như nhà trọ, trong doanh nghiệp dần ổn định và hy vọng sẽ giảm mạnh trong thời gian tới”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Giang Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, cho rằng trong tình hình hiện nay cần ứng dụng công nghệ cao trong công tác điều tra, đấu tranh với tội phạm. Thực tế hiện nay CA tỉnh đã làm tốt công tác này, không bị động trong việc tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm. CA các địa phương luôn trân trọng tin báo của người dân và xử lý kịp thời bằng các mô hình như CA phường Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) trang bị “Vali tin báo” tại bộ phận trực ban của đơn vị. Trong “Vali tin báo”, CA phường Tân Đông Hiệp trang bị đầy đủ các giấy tờ, dụng cụ trang bị cần thiết phục vụ cho cán bộ để khi cán bộ, chiến sĩ được phân công đến hiện trường để tiếp nhận tin báo không bị động, có đầy đủ trang bị, phương tiện, biểu mẫu để thực hiện nhanh chóng, đầy đủ các biện pháp điều tra ngay tại hiện trường.

Trong khi đó, Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng phòng CSHS CA tỉnh, cho biết Đề án “Xã hội hóa camera an ninh” đã đem lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm trên địa bàn tỉnh. Đây là một chủ trương mang tính đột phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm. Thông qua những hình ảnh của hệ thống camera giám sát an ninh trên nhiều trục đường, thời gian qua CA tỉnh đã khám phá nhanh nhiều vụ án phức tạp. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã lắp đặt được hơn 3.000 camera theo Đề án “Xã hội hóa camera an ninh”. Ngoài ra, CA tỉnh cũng đã vận động người dân, doanh nghiệp tự trang bị hơn 23.000 camera giúp cho việc giữ gìn ANTT được chủ động hơn.

 Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Giang Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp, kết hợp giữa lực lượng CA các cấp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm trong giai đoạn mới; đồng thời chỉ ra những yếu tố cơ bản làm gia tăng số lượng tội phạm trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Dương. “Việc gia tăng số người nghiện ma túy kéo theo nhiều vụ án phức tạp. Để phòng ngừa tội phạm xã hội, lực lượng CA cần tiếp tục quản lý, siết chặt các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn. Từ thực tế cho thấy các vụ việc xảy ra đều ở địa bàn cơ sở bắt đầu từ mâu thuẫn. Thời gian tới, lực lượng CA cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân. Ngoài ra, trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, lực lượng CA cần tiếp tục phát huy việc ứng dụng công nghệ cao trong công tác điều tra, đấu tranh với tội phạm”, Đại tá Nguyễn Giang Nam nhấn mạnh.

 THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=628
Quay lên trên