Chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất

Cập nhật: 24-02-2020 | 07:59:27

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của một số ngành hàng, trong đó có ngành gỗ. Tuy vậy, các doanh nghiệp (DN) đã và đang chủ động tìm nguồn nguyên liệu cung ứng thay thế, đón đầu cơ hội thị trường để phát triển ổn định.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Sao Nam. Ảnh: TIỂU MY

 Hạn chế tác động từ dịch bệnh

Hiện quan hệ giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc gặp khó bởi tác động từ dịch bệnh Covid-19. Trong nước, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn về nguyên liệu do phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, các DN đang nỗ lực hạn chế thiệt hại bởi yếu tố này.

Hiện các DN sản xuất đồ gỗ và nội thất của Việt Nam đã chủ động được trên 70% nguyên liệu trong nước, còn lại chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi, Mỹ, Canada, New Zealand... Trước diễn biến kinh tế thị trường như hiện nay, các nhà mua hàng có thể chọn hay thay đổi mẫu mã thiết kế có nguồn nguyên phụ liệu chủ động ở trong nước. Một số nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ nội thất của các DN trong nước như tay nắm, ray, ốc vít, vải cho sofa... phải nhập khẩu từ Trung Quốc số lượng không lớn, có thể tìm thị trường trong nước thay thế, nên không tác động đáng kể đến quá trình sản xuất, do vậy không bị ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Theo ông Lê Văn Đẹp, Phó Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Ván Việt (TX.Tân Uyên), ngành gỗ khác với may mặc, da giày ở chỗ nguồn nguyên liệu không phải quá phụ thuộc nhiều từ bên ngoài. Hiện nay, nguồn nguyên liệu phụ trợ ngành gỗ nhập từ Trung Quốc chỉ khoảng 10% nên sự ảnh hưởng của dịch bệnh là không lớn đối với ngành, vì thực tế đã có nhiều DN tại Việt Nam có thể tự sản xuất nguyên phụ liệu, hóa chất cho ngành chế biến gỗ.

Trong khi đó, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho biết hiện nay các DN trong ngành cơ điện đã xuất khẩu sang thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản. Nhưng đối với thị trường trong nước, DN cơ điện có ít cơ hội để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. DN mong muốn các ngành các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất để có cơ hội chủ động kết nối, quảng bá những thế mạnh sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước.

Ngành gỗ vào cuộc sớm

Trong năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường xuất khẩu chính, với mức tăng trưởng hơn 18%. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong nguy có cơ, nếu Việt Nam kiểm soát dịch tốt, các DN gỗ chủ động ứng phó, khai thác tốt thời cơ sẽ hòan thành mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD của ngành vào năm 2025.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết năm 2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước hoàn thành mục tiêu 11 tỷ USD do Thủ tướng Chính phủ đặt hàng. Trong thời gian tới, ngành còn nhiều dư địa phát triển, với dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2020 có thể đạt từ 12 - 13 tỷ USD, năm 2025 đạt 20 tỷ USD. Đây cũng chính là quan điểm của Bộ Công thương khi cho rằng trong năm 2020, ngành gỗ hoàn toàn có thể đạt mốc xuất khẩu 12,5 tỷ USD. Bởi ngoài thị trường lớn nhất là Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang có cơ hội tăng trưởng mạnh ở một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản, Anh, Canada, Đức, Hà Lan…

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), cho biết hiện công ty có đơn hàng đến qua quý II- 2020. Năm 2020, được dự báo ngành gỗ có khá nhiều thuận lợi. Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, xuất khẩu ván sàn trong năm qua tăng trưởng tốt. Ngoài nhu cầu gia tăng còn có sự đóng góp của việc bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu chính đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong thời gian tới, khi EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực, sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhờ vào việc giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình. Hiện nay, nhiều DN trong ngành có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị tốt, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ mới đang chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, chế biến gỗ. Công ty Sao Nam đang đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm cung cấp loại ván sàn kết hợp nguyên liệu đá cho thị trường Mỹ và cả thị trường nội địa.

Tuy nhiên, theo bà Loan, năm 2019 ngành gỗ Việt Nam có thể đã tận dụng rất tốt các cơ hội giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, rồi đến thị trường trong dịch bệnh Covid-19. Nhưng các DN cần nhìn nhận thực tế tình hình sản xuất và năng lực cung ứng của mình khi tiếp nhận các đơn hàng. Nếu nhận nhiều yêu cầu cùng một thời điểm thì các nhà máy phải tính đến chuyện đủ năng lực, thời gian để điều tiết cũng như chuẩn bị tổ chức sản xuất, nếu không sẽ gây thiệt hại lớn khi trễ, vỡ hợp đồng.

 Năm 2019, Trung Quốc đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu nội thất với 54,3 tỷ USD, theo sau đó là Ba Lan và Đức (mỗi quốc gia 11,2 tỷ USD), thứ tư là Ý với 10,9 tỷ USD, thứ năm là Việt Nam với 10,8 tỷ USD (chưa tính nguyên phụ liệu ngành gỗ).

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=580
Quay lên trên