Chủ động phòng vệ thương mại, bảo vệ ngành thép trong nước

Cập nhật: 09-01-2022 | 17:09:27

Khoảng hai năm trở lại đây, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu, sản phẩm thép của Việt Nam hiện đang là một trong những mặt hàng bị nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức rõ hơn, chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của sản xuất thép trong nước.

Tuy nhiên, thời gian tới, nguy cơ và rủi ro kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng này còn rất lớn do xu thế bảo hộ gia tăng. Nếu bị áp thuế cao sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu của sản phẩm thép, tiềm ẩn nguy cơ lan rộng ra nhiều thị trường khác.

Xu thế tất yếu

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giai đoạn 2016-2021, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng hơn 20%/năm, trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm 12%/năm. Đặc biệt, trong hai năm qua, mặc dù phải đối phó với đại dịch Covid-19, song ngành thép Việt Nam vẫn có những bước bứt phá ngoạn mục khi 10 tháng năm 2021 đã xuất khẩu được khoảng 11 triệu tấn thép, tăng 37,5% so cùng kỳ năm 2020, với giá trị đạt hơn 9,6 tỷ USD. Hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Do đó, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. 

Sản xuất thép cán nguội tại Công ty TNHH Thép Cường Phát DST (Bắc Giang). Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Số liệu thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, từ năm 2004 đến tháng 10/2021, thép xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với 66 vụ việc phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU và ngay cả tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đặc biệt, gần đây, Mexico nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng đột biến. Mới nhất trong tháng 10/2021, Mexico đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, với quãng thời gian điều tra khoảng 10 tháng. Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên của một nước thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)  điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho rằng, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào bởi đây là một xu thế tất yếu trong thời gian tới. Nguyên nhân bởi thép Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho nên việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều không tránh khỏi. Khi đối mặt với các vụ kiện, doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn vì nhận thức về vấn đề này còn hạn chế, năng lực để tham gia kháng kiện yếu, mức độ hiểu biết về các biện pháp này chưa đầy đủ,... Do đó, VSA đã phối hợp cùng Cục Phòng vệ thương mại hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị số liệu, sổ sách, tài liệu để trả lời, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra tại các nước đang áp dụng phòng vệ thương mại với sản phẩm thép. Tuy nhiên, để ngành thép tiếp tục phát triển, VSA cũng mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ sản xuất trong nước, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, nhất là trong việc xúc tiến thương mại xuất khẩu các mặt hàng thép, trao đổi thông tin và thảo luận chiến lược để các doanh nghiệp kịp thời ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại. 

Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp

Thách thức đặt ra đang rất lớn, do đó các doanh nghiệp sản xuất thép cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và kinh nghiệm, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, không bỏ chung “trứng vào một giỏ” để hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại ở một số thị trường. Trong đó, phải cải thiện nhiều hơn năng lực pháp lý, nhất là nguồn lực tài chính, vì chi phí để theo đuổi các vụ điều tra thường rất lớn, tập trung vào việc thuê luật sư, công ty tư vấn nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp cũng phải rõ ràng, minh bạch theo chuẩn mực quốc tế để khi có yêu cầu về kiểm tra, doanh nghiệp hoàn toàn trong thế chủ động chứng minh về sự minh bạch của sản phẩm.

Theo Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang, kiện phòng vệ thương mại là hình thức tương đối đặc thù và phức tạp. Các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ này để chuẩn bị trước bởi sớm một ngày thì doanh nghiệp cũng có lợi một ngày. Tuy nhiên, khi bị kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cũng cần xác định chiến lược của mình ở thị trường bị kiện. Không phải bất kỳ vụ kiện nào cũng phải tham gia đến cùng, nếu doanh nghiệp xác định đó là thị trường không thể bỏ được thì đầu tư tham gia. Còn nếu xác định là thị trường tạm thời hay tập trung vào thị trường khác thì cần chuyển hướng và không nên quá để ý. Khi tham gia vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản và trong bất kỳ vụ kiện nào, sự tham gia của một mình doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chuyên gia về lĩnh vực này. Vì vậy, các doanh nghiệp cần bình tĩnh hơn, chuẩn bị tâm thế, có chiến lược kinh doanh tính đến rủi ro phòng vệ thương mại. Mặt khác, cũng cần có sự chuẩn bị nguồn lực, đừng chờ tới lúc bị kiện rồi mới “chạy”.

Các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam cần chủ động tìm hiểu nâng cao năng lực, mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, thực hiện công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế đến mức thấp nhất những nguyên cớ để các nước mở điều tra phòng vệ thương mại. Cùng với đó, Bộ Công thương cũng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng vệ thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; duy trì các cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Từ đó giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất thép nói riêng tăng cường xuất khẩu trên thị trường quốc tế, nhưng vẫn giữ vững vị thế hàng hóa Việt Nam trong phòng vệ thương mại.

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên